Gian nan đường vào
Nhìn con đường nhỏ chỉ bằng vài chục cm khiến chúng tôi ớn lạnh. Con đường một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút như thử thách tay lái chúng tôi. Nhìn chúng tôi một số người dân bên đường bảo, quãng đường này còn rất dễ đi, khi qua 12km này thì các anh chỉ có thể đi bộ băng qua rừng mới vào đến Huồi Thum.
Chúng tôi vào đến C5 của bản Huồi Thợ thì đường đi bị chắn ngang. Một bác trung niên nói với chúng tôi rằng, đến đây là hết đường đi xe máy. Muốn vào Huồi Thum phải gửi xe lại và đi bộ. Vậy là chúng tôi đành để lại xe và tiếp tục cuộc hành trình. Từ đây vào bản Huồi Thum chỉ khoảng 3km, đối với những người dân bản, cái chân đã quen lên rẫy, đi rừng thì chỉ mất khoảng 45 phút. Còn chúng tôi phải mất gần tiếng rưỡi mới tới nơi.
Tưởng rằng cứ theo lối con đường mòn là vào tới Huồi Thum nên chúng tôi cứ cúi đi, đến lúc mệt bở hơi tai mới biết rằng mình bị nhầm đường lạc vào rừng sâu. Chúng tôi đành quay lại C5 và nhờ một người dân dẫn đường. Dẫn chúng tôi là một người đàn ông bản địa nên đôi chân dẻo dai của anh cũng phần nào khích lệ chúng tôi. Con đường càng đi càng khó khăn gấp bội. Có khi phải vượt qua những khe suối sâu đá dựng đứng, có khi lại luồn vào trong những bụi nứa rậm để lách qua. Lên dốc, xuống dốc liên tục khiến chúng tôi bủn rủn cả chân. Phải vừa đi vừa nghỉ đến khi trời tối mịt chúng tôi mới thấy hiện ra những nóc nhà của bản Huồi Thum. Mảnh đất thơ mộng nhưng đầy gian khó này nằm ngay bên dòng Khe Nằn đang ào ạt chảy. Con suối này đã bao đời cung cấp nguồn cá, nguồn điện và nguồn nước sinh hoạt cho người dân Huồi Thum.
Cái khó đeo đuổi
Người dân trong bản đang thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.T
Trưởng bản Moong Văn Nhâm cho chúng tôi biết: “Dân bản ở đây chủ yếu trồng lúa. Có nhà thì đủ ăn, có nhà thì năm nào cũng thiếu, như hộ anh Moong Văn Diệu, Moong Văn Da… Mặc dù nhà nước đã có hỗ trợ nhưng kinh tế của bản vẫn rất khó khăn. Người dân ở đây làm ra chủ yếu là tự cung, tự cấp chứ chẳng biết bán cho ai vì đường không có.
Theo lời Trưởng bản Moong Văn Nhâm thì những năm trước xã Na Ngoi đưa vào mô hình trồng gừng, rất nhiều bà con Huồi Thum đã khai hoang để trồng theo chủ trương của xã. Thấy các bản khác phát triển kinh tế mạnh từ gừng nên dân bản cũng hồ hởi vui mừng. Năm 2013, bản bắt đầu đưa gừng vào trồng. Có những hộ trồng rất nhiều như hộ anh Moong Văn Khoa, Moong Văn Huy…Tuy nhiên sau 2 năm, cây gừng chẳng mang lại hiệu quả gì nên bà con phá bỏ hết. “Cái đất ở đây nó không hợp với gừng rồi. Trồng 4-5 tạ gừng giống mà thu về không được nổi 1 tạ thì phải bỏ thôi. Vả lại, trồng được gừng rồi lại phải bế đi cả ngày mới đưa ra được ngoài bản Phù Khả để bán nên ai cũng chán”, Moong Văn Nhâm cho biết thêm.
Trưởng bản Moong Văn Nhâm dẫn chúng tôi tới gia đình anh Lô Văn Khanh mà theo anh đây là hộ khá giả nhất nhì bản. Chúng tôi bước vào khi anh Khanh đang tất bật chẻ lạt để kịp gặt lúa. Bằng vốn tiếng Kinh kha khá, Lô Văn Khanh bảo rằng những năm trước gia đình anh chỉ trồng lúa rẫy nên thiếu ăn thường xuyên. Nhà có 5 khẩu mà rẫy thì năm được năm mất. Từ năm 2008, anh chuyển sang khai hoang trồng lúa nước. Ban đầu chỉ dùng sức trâu để cày ruộng nên không đạt hiệu quả cao. Do vậy năm 2010, anh Khanh đầu tư mua hẳn cái máy cày về làm ruộng. Từ khi có máy, gia đình anh làm một năm 2 vụ mùa và vụ mùa nào cũng thu hoạch được trên 4 tấn lúa. Anh trở thành người nhiều lúa nhất bản. Năm nào anh cũng có lúa cho dân bản vay những lúc họ thiếu thốn. Nhìn người đàn ông đen nhẻm nhưng rắn chắc chúng tôi có cảm giác anh đang rất hạnh phúc vì những thành quả mà mình đã làm được.
Chúng tôi hỏi Trưởng bản Moong Văn Nhâm, ở bản có người nào đi học đại học, cao đẳng không thì anh buồn bã lắc đầu. Anh nói: “Cái ăn còn chưa đủ lấy đâu ra tiền mà đi học. Cả bản mới chỉ có một người tốt nghiệp cấp 3 thôi”. Rồi anh dẫn chúng tôi đi xem điểm trường của bản Huồi Thum. Hai dãy phòng học của trường tiểu học và mầm non ở sát nhau đều lợp bằng tranh tre nứa lá. Anh bảo rằng, những ngày mưa gió, trường thường xuyên bị dột. Thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua mấy tấm lợp bị lốc cuốn đi hết, bà con lại huy động nhau đến làm lại để con em mình được tiếp tục đến lớp. Các thầy cô giáo ở đây nhiều lúc cũng sợ, phải di trú về nhà dân để tránh tạm. “Mà các anh thấy đấy, cả bản này đã có nhà nào được lợp bằng prô xi măng đâu. Bản nghèo nên các thầy cô cũng chịu thiệt thòi nhiều lắm”, Trưởng bản Moong Văn Nhâm nói. Quả thật con đường tìm kiếm con chữ của trẻ em nơi vùng biên viễn này không đơn giản chút nào.
Chúng tôi mong rằng, trong một tương lai không xa, bản Huồi Thum sẽ được các cấp chính quyền, đoàn thể tìm cách tháo gỡ, chung tay cùng với bà con nơi đây sớm ổn định nền kinh tế... để có một bản Huồi Thum hòa nhập cùng với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tác giả bài viết: Đình Việt - Đào Thọ
Nguồn tin: