Xã hội

Nghệ An: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, bùng phát diện rộng

Diễn biến bệnh sốt xuất huyết kể từ khi nhiễm virus xảy ra rất nhanh, nếu kéo dài không được can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nhiều ổ dịch đang hoạt động

Ngày 19/7, Tiến sĩ Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay Nghệ An đã ghi nhận 173 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 83 ca ngoại lai và 90 ca nội tại.

Tính đến ngày 18/7, đã có 74 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 16 ca đang điều trị. Điều đáng nói, dịch được ghi nhận tại 7 huyện, thị xã với ổ dịch khác nhau. Trong đó, huyện Nghi Lộc đang diễn biến phức tạp khi có tới 57 bệnh nhân, tiếp đó là huyện Diễn Châu với 16 ca mắc.

Chỉ số véc tơ bọ gậy huyện Nghi Lộc vẫn vượt ngưỡng cảnh báo dịch (Bl: 36).

Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngày 15/7, đoàn công tác của sở Y tế Nghệ An do ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc sở Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Nghi Lộc về công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện. Theo báo cáo, ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào ngày 24/5, tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc.

Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã Nghi Quang và các bên liên quan cần quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch như: thành lập các tiểu ban kiểm tra, giám sát triển khai các hoạt động phòng chống dịch; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành đúng theo kỹ thuật và hướng dẫn của Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Tăng cường hơn nữa sự tham gia của các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.

Sở Y tế Nghệ An họp khẩn với UBND huyện Nghi Lộc sau khi ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết.

Còn tại huyện Diễn Châu, ca sốt xuất huyết xuất hiện từ cuối tháng 6/2022 tại xã Diễn Hồng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 16 bệnh nhân sốt xuất huyết ở 5 xã, thị gồm: Diễn Hồng, Diễn Ngọc, Diễn Thành, Diễn Lâm và thị trấn.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp huyện Diễn Châu triển khai nhiều biện pháp chống dịch, như: hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho công tác truyền thông, trang thiết bị y tế; cung cấp 130 lít hóa chất phun diệt muỗi tại các gia đình, cơ quan công sở ở những điểm có dịch bệnh;…

Huyện đoàn, Đồn Biên phòng, Trung tâm Y tế phối hợp các địa phương đồng loạt tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thả hàng nghìn cá con vào các bể chứa nước nước tại các hộ gia đình...

Trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu.

So với các năm (năm 2019 có 451 ca, năm 2020 có 477 ca, năm 2021 có 13 ca), số ca mắc sốt xuất huyết hiện nay chưa phải là cao nhưng đang diễn biến phức tạp. Bởi hết tháng 6/2022, Nghệ An mới ghi nhận 55 ca sốt xuất huyết, trong vòng chưa đầy một tháng đã tăng thêm 19 trường hợp. Đặc biệt, đỉnh điểm của dịch thường rơi vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm… Và ở thời điểm này, trong nước đã có ca tử vong do sốt xuất huyết.

Nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân gây bệnh là virus Dengue gây ra, loài muỗi vằn là vật chủ trung gian lây truyền bệnh dễ dàng.

Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị sốt xuất huyết, tuy nhiên trẻ em và người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và biến chứng cao hơn cả. Diễn biến bệnh kể từ khi nhiễm virus xảy ra rất nhanh, nếu kéo dài không được can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nhiều địa phương ở Nghệ An có số muỗi vằn cao.

“Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng di biến động dân cư lớn, ý thức người dân một số nơi chưa cao nên nguy cơ đưa mầm bệnh về là rất cao. Trong thời gian tới, dự kiến số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển”, ông Trang nói.

Vì vậy, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả trong thời gian tới, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, và các hộ gia đình cần tăng cường triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy; triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chủ động tại các ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ cảnh báo dịch.

Cán bộ CDC Nghệ An thực hiện giám sát dịch tễ tại các địa phương có ổ dịch sốt xuất huyết cũ.

Các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng, chống cho người dân được biết và thực hiện. Như: lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời...

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP