Thung lũng Mường Lống là xứ sở của đào, mận tại xứ Nghệ |
Nằm ở độ cao gần 1500m so với mực nước biển, nơi cổng trời xứ Nghệ, thung lũng Mường Lống được ví như một Sapa hay Đà Lạt thu nhỏ, với sương mù quanh năm và nền nhiệt độ thấp. Là địa bàn có 100% bà con người Mông sinh sống, đây cũng được coi là vùng lõi văn hóa của dân tộc này.
Trong sinh hoạt của người Mông từ xưa đến nay, cây đào giữ một vị trí hết sức quan trọng cả về tinh thần lẫn vật chất. Xưa kia, trong những lần di cư từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, bà con vẫn luôn mang theo cây đào để trồng ở vùng đất mới.
Khi cây đào ra chớm nụ cũng là lúc mùa xuân đến. Bây giờ, khi đã định canh định cư thành bản, thành xã, bà con vẫn giữ thói quen trồng cây đào ở trên rẫy, quanh nhà. Mường Lống chính là một trong những nơi còn có nhiều cây đào cổ thụ, đào đá nhất xứ Nghệ.
Bên cạnh đó, vùng đất cổng trời này cũng là xứ sở của những cây mận tam hoa. Trước đây, Mường Lống từng là thủ phủ của cây thuốc phiện. Nhưng từ những năm 1990 trở đi, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bà con đã xóa bỏ dần dần toàn bộ thuốc phiện. Thay vào đó, là trồng cây mận chủ đạo và một số loại cây, rau khác để thu hoạch tạo thu nhập cho người dân.
Những ngày cuối đông, gần tết, cũng là lúc đào, mận nở khắp thung lũng Mường Lống. Trong sương mù và dưới những mái nhà gỗ, khung cảnh hiện lên đẹp ngỡ ngàng với nếp sinh hoạt riêng đặc sắc của người Mông xứ Nghệ. Cùng ngắm những hình ảnh về bản làng tràn ngập sắc hoa và sinh hoạt của bà con tại cổng trời Mường Lống:
Những ngày này, đào đã bắt đầu ra hoa rực rỡ |
Hoa đào được trồng ở khắp thung lũng và ở cả trường học |
Những năm gần đây, cây đào còn cho bà con nơi đây khoản thu nhập đáng kể khi đem bán về xuôi |
Thời điểm này, hoa mận cũng đã nở trắng khắp nơi tại nơi cổng trời xứ Nghệ |
Những chùm hoa trắng muốt trong sương |
Trước đây, Mường Lống là thủ phủ của ma túy, nhưng từ những năm 1990, cây thuốc phiện được xóa bỏ dần, bà con người Mông trồng mận tam hoa thay thế, và cho thu nhập kinh tế |
Những đứa trẻ chơi đùa trước sân nhà |
Đào mận đã trở thành loài cây đặc trưng của Mường Lống, là dấu hiệu của mùa xuân về, của tết, của lễ hội |
Ba mẹ con đang ngồi thêu váy áo chuẩn bị cho tết |
Trước đây, tết của người Mông ở Nghệ An thường bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch, nhưng hiện nay bà con đã “dời lịch” chậm hơn để trùng với dịp tết nguyên đán của cả nước. |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại