Thầy giáo Lâm Vinh Hạnh (SN 1972, quê gốc ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) hiện là hiệu trưởng trường tiểu học Mường Típ 2 (xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã trải qua quãng thời gian 25 năm đi tìm người cha của mình.
Từ bé, ông Hạnh chỉ biết đến cha của mình qua bức ảnh mờ nhạt mà mẹ ông còn giữ lại. Qua câu chuyện của mẹ, ông Hạnh biết được cha mình tên là Lâm Vinh Mạnh (SN 1938). Năm 1971, ông Mạnh được cử đến viện 4 (đóng ở xã Cát Văn) để học thêm về ngành y. Trong thời gian ở đây, ông Mạnh gặp và quen biết với bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1941).
Tình yêu nhanh chóng chớm nở, ông Mạnh và bà Phúc về chung một nhà với nhau. Mái ấm gia đình tràn ngập tiếng cười, đôi vợ chồng trẻ đang mong chờ đứa con đầu lòng ra đời thì ông nhận lệnh lên đường ra tiền tuyến.
Những cánh thư từ chiến trường đều đặn được gửi về cho bà Phúc. Năm 1972, cậu bé Hạnh ra đời trong niềm vui khôn tả của người mẹ. Đến năm 1974, bà Phúc nhận được hai bức điện của ông Mạnh thông báo ra bến xe Đô Lương đón ông trở về. Thế nhưng, hai lần bà cất công ra đi đều không tìm thấy ông.
“Thời đó chiến tranh loạn lạc, không thấy ông trở về tôi đã nghĩ đến chuyện ông ấy hi sinh ngoài chiến trường. Nhìn con trai đang lớn lên từng ngày, tôi quyết định giữ lời hứa với ông là sẽ ở vậy nuôi con khôn lớn”, bà Phúc cho biết.
Vốn là người có nhan sắc nên dù đã có con, bà Phúc cũng được không ít người tìm đến ngỏ lời. Tuy nhiên, bà khước từ tất cả một mình tảo tần nuôi con trai khôn lớn. Hạnh được mẹ tạo điều kiện ăn học và thi vào ngành sư phạm. Tốt nghiệp ra trường, chàng thanh niên Lâm Vinh Hạnh được điều về Kỳ Sơn công tác.
Dù không biết bố mình quê ở đâu, người như thế nào nhưng Lâm Vinh Hạnh vẫn ấp ủ ý định tìm lại quê gốc của bố.
Ông Hạnh tâm sự: “Tôi nghe mẹ nói có thể bố đã hi sinh ở chiến trường mà cũng không biết quê gốc của bố ở đâu. Tôi nghĩ rằng nếu bố đã mất thì cũng phải tìm lại hài cốt của ông, tìm lại quê quán của ông và nếu như may mắn tôi còn được đi lại với anh em, người thân của bố”.
Nghĩ là làm, ông Hạnh mang tất cả những hồ sơ, giấy tờ là những bức thư mà bố gửi cho mẹ đến nhờ những người cựu chiến binh cùng tuổi để hỏi thông tin về bố. Tuy nhiên, không một ai biết ông Mạnh ở đâu. Không nản lòng, ông Hạnh 8 năm liên tục gửi hồ sơ tìm bố về cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của đài truyền hình Việt Nam nhờ tìm giúp.
Dù vậy, không có bất cứ thông tin gì về người lính mang tên Lâm Văn Mạnh. Nhiều lần đi lại không có kết quả, dù buồn nhưng trong thâm tâm ông Hạnh có niềm tin sẽ tìm ra cội nguồn của mình.
Vỡ òa nước mắt ngày đoàn tụ
Cách đây 2 năm, ông Hạnh tình cờ gặp được gặp được người đàn ông công tác ở tỉnh đội tỉnh Thanh Hóa. Nghe câu chuyện của ông Hạnh, người này nhận lời giúp. Qua phân tích, từ cách xưng hô trong bức thư, người cán bộ này nhận định có khả năng ông Mạnh là người ven biển tỉnh Thanh Hóa. Ông Hạnh nhờ người quen biết hỏi thăm những địa phương này xem có ai giống trong bức ảnh mà ông còn giữ.
Đến cuối tháng 10-2016 vừa rồi, ông Hạnh nhận được tin báo đã tìm được người thân của cha. Sắp xếp công việc, ông Hạnh lên đường ra Thanh Hóa ngay. Ngày gặp lại, mọi người đều ngỡ ngàng vì ông Hạnh giống cha in đúc từ khuôn mặt đến dáng đi. Bởi vậy, ý nghĩ sẽ làm xét nghiệm AND để xác định huyết thống trước đó đã bị mọi người bỏ qua.
Qua trò chuyện, câu chuyện về cuộc đời của cha ông Hạnh cũng dần được phác họa. Người thân ở Thanh Hóa đã nhận được giấy báo tử của ông Mạnh. Tuy nhiên, mấy năm sau ông Mạnh trở về. Trước đó, ông Hạnh cũng đã có vợ con ở quê.
“Nghe chuyện của bố, tôi cũng buồn lắm. Nhưng tôi không trách gì bố cả, tôi chỉ thương mẹ một đời lỡ dở. Chiến tranh loạn lạc chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhiều gia đình còn chịu nỗi đau con lớn hơn. Khi tôi tìm được quê quán của bố thì bố đã mất, tôi chỉ ước giá như mình tìm được bố sớm hơn mấy năm thì sẽ tốt hơn nhiều”, ông Hạnh trải lòng.
Mừng mừng, tủi tủi khi nhận lại được người thân của mình, suốt buổi, ông Hạnh chỉ biết khóc. Mọi người trong dòng họ vui vẻ nhận người thân. Sau đó không lâu, người thân của ông Mạnh ở Thanh Hóa cũng đã vào Nghệ An để nhận con dâu, nhận cháu trai.
Bà Phúc nghẹn ngào cho biết: “Tôi mừng lắm khi con trai mình tìm lại được người thân, họ hàng. Tất cả mọi chuyện đã qua rồi, giờ chỉ cần con sống hạnh phúc trong tình thương yêu của anh em, người thân là đủ”.
Đoạn đường 25 năm kiên trì tìm lại người cha, tìm lại gốc gác của ông Hạnh đã đưa lại kết quả có hậu. Đến nay, bản thân ông Hạnh vẫn chưa dám tin mình lại có một đại gia đình đông người đến như vậy, ông còn nhận được tình cảm thương yêu của tất cả mọi người. Với bản thân thầy Lâm Vinh Hạnh, có lẽ việc tìm lại được gia đình, người thân của bố là món quà mà ông nhận được sau bao nhiêu năm kiên trì tìm kiếm.
Thầy Lâm Vinh Hạnh chia sẻ: “Đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ mình đang nằm mơ, trong chốc lát, tôi có một đại gia đình, ai nấy đều yêu thương tôi. Tôi không trách gì ai cả, nhất là bố, để được như hôm nay là đoạn kết có hậu mà tôi luôn ao ước suốt 25 năm nay”.
Tác giả bài viết: Trịnh Nguyễn - C. Đức
Nguồn tin: