Ngày 22/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm.
Ông Cảm và 6 đồng phạm bị điều tra hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Cơ quan điều tra xác định, hệ thống xét nghiệm này được nhập về Việt Nam với giá chỉ khoảng 2,3 tỷ đồng, nhưng đến tay CDC Hà Nội đã lên tới 7 tỷ đồng.
Ngay sau khi ông Cảm bị bắt, hàng loạt địa phương khác rục rịch có động thái ứng xử bất ngờ với những gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Covid-19.
Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm bị tạm giam. |
Hải Phòng nói đang “đi mượn” chứ chưa mua, và phủ nhận đã trang bị máy này với giá gần 10 tỷ đồng. Còn Quảng Ninh cũng nhanh chóng phủ nhận thông tin mua máy xét nghiệm Covid-19 giá cao, vì vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm Realtime PCR với nhà cung cấp. Ngược lại, phía nhà cung cấp còn khẳng định sẽ không lấy lãi so với giá của nhà nhập khẩu thiết bị này. Sở Y tế Quảng Nam vẫn khẳng định mua giá 7,2 tỷ đồng là phù hợp, dù rằng mức giá này cao hơn 200 triệu so với mức giá CDC Hà Nội mua với lý do mua đúng mùa dịch.
Nhưng để không làm ảnh hưởng đến “uy tín” và “danh dự” của các chủ đầu tư, rất cần các cơ quan thanh tra, cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ việc mua sắm trang thiết bị y tế này. Như thế, trắng đen sẽ rõ ràng, dư luận cũng không còn phải hoài nghi.
Vụ việc xảy ra ở CDC Hà Nội cũng là hồi chuông cảnh báo cho những kẻ muốn mượn dịch bệnh để trục lợi cá nhân, gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng ngày 24/4 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký. Lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã cần lấy bài học ở CDC Hà Nội để soi vào, để đưa từng đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng. Đừng để câu chuyện “dê, bò lạc vào nhà quan xã, quan huyện” tái diễn như với nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị; không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Phải hiểu rằng, để có được tiền phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã phải chắt chiu những đồng ngân sách hạn hẹp, kể cả cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% kinh phí công tác nước ngoài (riêng các cơ quan TƯ dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng). Còn toàn dân trên tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” đã ủng hộ Quỹ phòng chống dịch bằng những tin nhắn, bằng tiền, bằng hiện vật, dù rằng gánh nặng cơm áo đang đè nặng lên không ít gia đình.
Dịch bệnh đang khiến ngân sách phải chi nhiều hơn cho những khoản phát sinh, trong khi thu ngân sách lại giảm mạnh bởi sức khỏe doanh nghiệp suy kiệt, bởi những chính sách giãn hoãn, miễn thuế...
Bộ Tài chính ước tính rằng năm 2020 giảm thu ngân sách tới 140 nghìn-150 nghìn tỷ đồng. Bộ này cũng đang phải căng mình tìm cách bù đắp nguồn thu thiếu hụt. Khi giao nhiệm vụ huy động vốn quý II/2020, Bộ Tài chính đã phải tính đến việc vay ngân quỹ nhà nước khoảng 50 nghìn tỷ đồng để đảm bảo nguồn bù đắp bội chi, trả nợ gốc của ngân sách Trung ương năm 2020.
Đồng thời Bộ này cũng tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài như ngân hàng ADB, AFD, World Bank,... để triển khai việc vay vốn gói hỗ trợ do dịch Covid-19.
Tiền đi vay, trước sau gì cũng phải trả, sau cùng cũng lại trả bằng tiền thuế của dân. Cho nên, từng đồng tiền thuế của dân lúc này đang trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Những kẻ trục lợi, rút ruột, thổi giá để bòn rút tiền ngân sách là không thể chấp nhận. Hành vi ấy sớm muộn gì cũng bị pháp luật sờ gáy, cho dù có thể còn nhiều kẻ vẫn đang nhởn nhơ khi “chưa bị lộ”.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net