Kinh tế

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kỷ lục mới, là gì vậy?

Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến hết tháng 8 đạt 6.924.889,15 tỷ đồng. Con số này tăng 6% so với cuối năm 2023.

So với cuối tháng 7, số tăng thêm là 86.475 tỷ đồng - tiếp tục là kỷ lục mới. Như vậy, nếu trung bình, trong tháng 8, mỗi ngày có gần 2.900 tỷ đồng của người dân được gửi vào ngân hàng.

Lượng tiền tiết kiệm được người dân gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay. Lượng tiền người dân đổ vào ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tại các ngân hàng đã rục rịch tăng.

Trong khi lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thì lượng tiền gửi của tổ chức vào hệ thống tín dụng giảm. Lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 8 đạt 6.838.341,69 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023.

Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Lý giải việc tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục đổ vào ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng, bên cạnh tăng lãi suất huy động, do nhà đầu tư vẫn thận trọng với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản…

Hình minh họa

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Tính đến cuối tháng 8, số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã nhiều hơn số ngân hàng điều chỉnh giảm. Với các kỳ hạn 9 tháng, lãi suất phổ biến từ 3,6%/năm đến 5,3%/năm; 6 tháng dao động 2,5%/năm đến 5,4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất phổ biến từ 5,3%/năm đến 5,7%/năm.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu, cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh vào những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt chỉ tiêu cho cả năm, nên mức vay ngân hàng cũng tăng theo. Các ngân hàng muốn đáp ứng nhu cầu vay cao sẽ phải có mức lãi suất hấp dẫn để hút vốn. Do vậy, lãi suất phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5 - 1 điểm %.

Sự thay đổi từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay luôn có độ trễ, do đó, chúng tôi cho rằng, việc lãi suất huy động tăng trở lại có thể sẽ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến đà giảm của lãi suất cho vay, ít nhất là cho đến cuối năm 2024" - VDSC phân tích.

Về xu hướng của dòng tiền, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận xét, một phần tiền gửi ngân hàng có thể sẽ dần dịch chuyển sang thị trường bất động sản để tìm cơ hội khi thị trường này có các dấu hiệu tích cực hơn.

Đối với thị trường chứng khoán, tình trạng giao dịch trầm lắng, thanh khoản ở mức thấp có khả năng kéo dài khiến nhà đầu tư chứng khoán rất khó kiếm lời, thậm chí đối diện với nguy cơ thua lỗ. Cùng với đó, đầu tư vào vàng ở thị trường nội địa hiện có rủi ro, nhà đầu tư cần thận trọng.

Tác giả: Pha Lê

Nguồn tin: Nhịp sống thị trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP