Giáo dục

Náo nức đón khai giảng ở nơi khó khăn bậc nhất tỉnh Nghệ An

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 gồm điểm chính và 3 điểm lẻ đều ở bản Mông xa xôi, nhưng các thầy giáo đã chuẩn bị cho HS ngày khai giảng đầy đủ nhất.

Học sinh điểm bản Nậm Tột - Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An) háo hức nhận quà trước lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài.

Vào bản sớm với trò

Từ sáng sớm 4/9, các thầy của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) đã lên đường vào chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Từ sáng sớm 4/9, các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong) đã vào trường để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Ảnh: Hồ Lài.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có điểm chính tại bản Mường Lống và 3 điểm lẻ tại các bản Huồi Mới, Nậm Tột, Huồi Xái, đều là nơi sinh sống của của bà con người Mông. Đây là một trong những trường vùng biên giới xa xôi, khó khăn nhất của huyện Quế Phong và cả tỉnh Nghệ An với "đặc sản": không điện lưới, không sóng liên lạc, không chợ, không trạm y tế và không giao thông thuận lợi.

Đường vào trường mất hơn 2 tiếng đi xe máy với nhiều đoạn dốc đá trơn trượt. Ảnh: Hồ Lài.

Từ trung tâm xã vào trường mất hơn 2 tiếng đi xe máy nếu thời tiết đẹp. Còn trời mưa thì các điểm trường hầu như bị cô lập với bên ngoài vì đường trơn trượt, sạt lở đất. Vì vậy, các thầy giáo của trường phải chủ động vào trước 1 ngày để công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng được đầy đủ, tươm tất.

Đây là trường biên giới xa xôi, khó khăn bậc nhất tỉnh Nghệ An, đến nay vẫn không điện, không sóng, không chợ, không trạm y tế, không giao thông thuận lợi... Ảnh: Hồ Lài.

Trước đó, từ đầu tháng 8, sau khi trả phép, giáo viên nhà trường đã đến từng bản để gọi học sinh từ trên rẫy trở về.

Thầy Lê Tất Thắng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Quá trình vận động cũng gặp nhiều khó khăn bởi các cháu thường theo bố mẹ lên nương, rẫy có lúc cả tháng, nên chúng tôi phải cử giáo viên đến tận nơi vận động. Đến nay nay, chuẩn bị khai giảng, học sinh các điểm trường đều tương đối đầy đủ”.

Học sinh điểm bản Nậm Tột - điểm khó khăn nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Hồ Lài.

Tại điểm trường Nậm Tột, ngày 4/9, học sinh, phụ huynh háo hức đến đón nhận quà cho năm học 2023-2024 gồm cặp sách, vở mới, chăn ấm, mì tôm… do đơn vị thiện nguyện chuyển đến tận bản làng biên giới này.

Nậm Tột là điểm trường khó khăn, xa xôi nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 với gần 50 nóc nhà, đều là bà con người dân tộc Mông. Cho đến giờ, nhiều người lớn trong bản vẫn chưa nói thạo tiếng Kinh.

Niềm vui nhận cặp sách mới của em Lỳ Ý Vinh, học sinh lớp 2, điểm trường Nậm Tột - Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Hồ Lài.

Lầu Bá Sinh (học lớp 4), phấn khởi ôm cặp sách, thùng mỳ tôm mới được tặng mang đến cho bà nội. Bà của Sinh nói: “Bố mẹ đi công ty trong miền Nam rồi, cháu ở với bà đi học”, rồi lắc đầu cười, tỏ ý không biết nói thêm câu tiếng Kinh nào nữa. Nhưng bà cùng nhiều bố mẹ khác vẫn tiếp tục đứng ngoài cổng trường, dõi theo hoạt động của thầy và trò trong ngày đầu năm học mới.

Những đứa trẻ đến trường và mang theo quà năm học mới về cho gia đình. Ảnh: Hồ Lài.

Huy động đủ học sinh tới trường

Lỳ Ý Vinh năm nay lên lớp 2, suốt 3 tháng hè vừa qua, cô bé theo bố mẹ lên ở trên rẫy. Gần đây, được trưởng bản, các thầy đến nhà vận động, gọi về đi học, Lỳ Ý Vinh được bố mẹ cho xuống rẫy, đến trường. Cô bé người Mông háo hức nói: “Được về đi học, gặp các thầy, các bạn, nhận nhiều quà em vui lắm!"

Công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Thò Bá Bì, trưởng bản Nậm Tột cho hay, bản nằm ở vùng sâu, khó khăn biệt lập nên đời sống bà con dân bản còn vất vả, nhiều hộ nghèo. Điều kiện chăm lo cho con em đi học cũng thiếu thốn, thiệt thòi.

Tuy nhiên, bây giờ nhận thức của bà con đã tiến bộ hơn, không còn tình trạng cho trẻ con bỏ học ở nhà. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi đến trường đều đảm bảo đầy đủ.

Những đứa trẻ Mông háo hức đến đợi ở trường khi thấy có thầy giáo đến chuẩn bị cho lễ khai giảng. Ảnh: Hồ Lài.

“Năm nay, nghe tin có quà cho các cháu dịp đầu năm mới, bà con cũng vui mừng phấn khởi lắm. Giao thông trong bản khó khăn, đường dốc đá, phụ huynh đến từ sớm phụ giúp các thầy chuyển quà của nhà hảo tâm từ dưới chân dốc lên trường để tổ chức trao cho học sinh”, ông Thò Bá Bì nói.

“Trường Tiểu học Tri Lễ 4 so với các trường khác trong tỉnh có nhiều thiệt thòi, vì vì vậy chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn để chuẩn bị cho các em bước vào năm học mới với khí thế mới. Với mong muốn lớn nhất là học sinh sẽ có một năm học hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích tốt trong học tập”, thầy Lê Tất Thắng chia sẻ.

Năm nay, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 tăng thêm 1 lớp 1, nên nhà trường chuẩn bị thêm bàn ghế mới cho học sinh. Ảnh: Hồ Lài.

Học sinh tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ khai giảng. Ảnh: Hồ Lài.

Các em học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 háo hức chờ đón tiếng trống khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài.

Theo thầy Lê Tất Thắng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4, năm nay do điều kiện thời tiết không thuận lợi, các điểm lẻ đều cách xa trường chính từ 10 – 40km đường rừng, nên không thể tổ chức khai giảng cho cả 4 điểm trường.

Lễ khai giảng được tổ chức ở trường chính vào ngày 5/9. Đến ngày 6/9, giáo viên sẽ tùy điều kiện thực tế mà tổ chức ngày hội đến trường cho học trò điểm lẻ. Tuy nhiên, nhà trường cũng dành sự quan tâm, kêu gọi hỗ trợ, tặng quà học sinh tất cả điểm trường, để tạo niềm vui, phấn khởi cho các em trong năm học mới.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP