Đẹp

Nam sinh bất ngờ phát hiện mắc gan nhiễm mỡ sau 1 tháng ăn kiêng: Bác sĩ chỉ ra sai lầm nghiêm trọng

Nam sinh ở Vũ Hán, Trung Quốc bất ngờ được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ sau khi ăn kiêng trong 1 tháng.

Theo truyền thông ở tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc, một nam sinh viên đại học tên Trương Thi đã tiến hành ăn kiêng trong một tháng và giảm được 10kg nhưng lại bất ngờ được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ.

Bệnh nhân cho biết bản thân đã áp dụng chế độ ăn kiêng khá khắc nghiệt. Cậu chỉ ăn một miếng bánh mì nguyên cám vào mỗi bữa sáng và bữa tối, buổi trưa thường chỉ ăn một ít hạt.

Sau một tháng, Trương Thi đã giảm được 10kg, tuy nhiên lúc này cơ thể của cậu cũng xuất hiện các triệu chứng bất thường như mệt mỏi, yếu sức, đau bụng. Trương Thi lo lắng cho sức khỏe nên đã đến bệnh viện để thăm khám. Kết quả khám cho thấy cậu mắc gan nhiễm mỡ.

Nam sinh chỉ ăn một lát bánh mì nguyên cám vào mỗi bữa sáng và bữa tối. (Ảnh minh họa, nguồn: Eat this not that)

Bác sĩ chỉ ra sai lầm khiến bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ

Bác sĩ Mạnh Khánh Bân, Phó Giám đốc Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Số 1 Vũ Hán, Trung Quốc cho biết, chế độ ăn kiêng quá mức và không khoa học có thể dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Đây cũng là sai lầm khiến bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ.

Bác sĩ Mạnh giải thích chế độ ăn kiêng khắc nghiệt của bệnh nhân Trương Thi khiến cơ thể thiếu đi một số dưỡng chất thiết yếu như protein. Tuy nhiên, protein là rất cần thiết cho quá trình tổng hợp và sửa chữa tế bào gan. Ngoài ra, protein cũng đảm bảo quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra bình thường. Sự thiếu hụt protein làm suy yếu quá trình tổng hợp lipoprotein, protein vận chuyển chất béo. Điều này có thể khiến chất béo tích tụ trong tế bào gan, tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, bác sĩ Mạnh nói thêm: “Ăn kiêng quá mức có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống thấp, lúc này cơ thể sẽ tăng phân giải mỡ để chuyển thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng lượng axit béo đi vào máu và dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ thừa trong gan”.

Ăn kiêng quá mức có thể gây thiếu chất, ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa và tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. (Ảnh minh họa, nguồn: Cary Gastroenterology Associates)

Bác sĩ Mạnh chia sẻ rằng ăn kiêng quá mức không chỉ làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ mà còn kéo theo hàng loạt vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:

1. Rối loạn nội tiết: Ăn kiêng quá mức có thể gây rối loạn nồng độ hormone, ví dụ như giảm nồng độ hormone estrogen, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tình trạng da ở nữ giới.

2. Rối loạn chức năng đường tiêu hóa: Ăn kiêng quá mức có thể dẫn đến giảm tiết axit dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ngoài ra, ăn kiêng quá mức có thể dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày.

3. Vấn đề tâm lý: Áp lực từ việc ăn kiêng và giảm cân có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo lắng và trầm cảm.

4. Suy giảm khả năng miễn dịch: Ăn kiêng quá mức kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch và khiến mọi người dễ mắc bệnh hơn.

Lời khuyên của chuyên gia

Bác sĩ Mạnh cho biết, để đảm bảo sức khỏe, mọi người cần áp dụng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học và hợp lý. Cụ thể như sau:

1. Ăn uống cân bằng dinh dưỡng: Bác sĩ Mạnh cho biết mọi người nên kết hợp ăn đa dạng thực phẩm như thịt, cá, rau củ, trái cây,... đồng thời hạn chế tiêu thụ ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chứa đường,... để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp duy trì chức năng gan hiệu quả.

2. Tập thể dục vừa phải: Chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên chọn phương pháp tập luyện phù hợp với sở thích và tình hình sức khỏe của bản thân. Mọi người có thể lựa chọn các hoạt động như đi bộ, chạy, bơi lội, đánh cầu lông,... để đốt cháy lượng calo và chất béo dư thừa trong cơ thể, giúp giảm cân hiệu quả.

Tác giả: Mộc Miên

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP