Thế giới

Mỹ dọa trừng phạt dự án khí đốt của Nga, Đức né tránh

Nếu Nga cho quân tiến vào Ukraine, ông Biden tuyên bố đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ không thể hoạt động, trong khi thủ tướng Đức vẫn mập mờ về hành động của Berlin.

Sau cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng hôm 7/2, CNN nhận định Thủ tướng Đức Olaf Scholz thể hiện sự khác biệt về quan điểm giữa ông và tổng thống Mỹ trong dự án khí đốt năng lượng nếu Nga tấn công Ukraine.

Trong khi ông Joe Biden một lần nữa nhấn mạnh đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ "không còn" nếu Nga xâm lược Ukraine, ông Scholz từ chối nêu tên bất cứ cụ thể dự án nào hay ý định của Berlin với dự án này.

Theo các quan chức chính quyền cấp cao, đây là lập trường xuyên suốt mà ông Biden cùng các cộng sự đã nêu trong nhiều tuần qua, và cũng là điểm chính trong cuộc thảo luận với tân thủ tướng Đức.

"Nếu Nga xâm lược, có nghĩa là xe tăng hoặc quân đội Nga lại vượt qua biên giới Ukraine, thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa", ông Biden nói. "Chúng tôi sẽ kết thúc nó".

Ông Biden cũng từ chối cho biết về cách Mỹ dừng Nord Stream, nhưng ông đảm bảo Washington vẫn sẽ làm được mà không có sự giúp đỡ của Berlin.

Trong khi đó, Thủ tướng Scholz, người nhận chỉ trích cả trong lẫn ngoài nước khi nhiều người cho rằng ông không có phong thái lãnh đạo để dẫn dắt giải quyết một cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh "Nga sẽ phải trả một giá rất đắt nếu xâm lược Ukraine".

Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng khẳng định Mỹ và Đức sẽ có cách tiếp cận đồng nhất. Ông né tránh câu hỏi của phóng viên về khả năng chấm dứt dự án Nord Stream 2 trong cuộc họp báo chung: "Như tôi đã nói, chúng tôi hành động cùng nhau. Chúng tôi hoàn toàn đoàn kết".

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Scholz cũng lặp lại tuyên bố sẽ hành động đồng nhất với Mỹ, nhưng một lần nữa từ chối làm rõ ý định của ông với dự án Nord Stream. "Tất cả động thái chúng tôi lựa chọn, chúng tôi sẽ làm cùng nhau", ông nói. "Chúng tôi đang đưa ra câu trả lời rõ ràng cho Nga, rằng cái giá là rất lớn".

Về phần Tổng thống Biden, ông phủ nhận quan điểm rằng Đức có thể "lấy lại lòng tin" bằng cách công khai cam kết chấm dứt dự án Nord Stream nếu Nga tiến hành một cuộc xâm lược bởi "Đức đã nhận được sự tin tưởng hoàn toàn từ phía Mỹ".

Ông Biden nói rằng Mỹ và Đức hiện "làm việc trong bí mật" để ngăn chặn cuộc xâm lược từ Nga khi Moscow đang tập hợp khoảng hơn 100.000 quân tại biên giới Ukraine. Dù cho Điện Kremlin kiên quyết phủ nhận, quan chức Mỹ cho rằng cuộc tấn công sẽ xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

Đức đã ngần ngại tham gia cùng với Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và các đồng minh khác trong việc tăng cường quân đội dọc theo sườn phía đông của NATO để đối đầu Nga. Không chỉ vậy, thủ tướng mới còn né tránh trả lời chi tiết về những biện pháp trừng phạt mà ông áp đặt lên quốc gia là đối tác thương mại lớn của Đức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo hôm 7/2 rằng Đức sẽ gửi thêm 350 binh sĩ đến Lithuania để giúp tăng cường lực lượng cho NATO.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP