Kinh tế

Một số dấu hiệu bất thường về đấu thầu tại MobiFone

Năm 2022 MobiFone tổ chức nhiều cuộc đấu thầu với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng, trong đó xuất hiện gói thầu có dấu hiệu trái luật.

MobiFone đấu thầu hàng nghìn tỷ mỗi năm

Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 9/2022 đến nay, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (sau đây gọi tắt là MobiFone), đã chào tất cả 16 gói thầu. Trong đó, đã đóng thầu 15 gói, 1 gói không có nhà thầu trúng, 1 gói chưa đóng thầu và 4 gói đã xác định có nhà thầu trúng.

Tổng giá trị của 15 gói thầu (bao gồm cả giá dự toán và 4 gói đã xác định có nhà thầu trúng) khoảng trên 1.400 tỷ đồng.

Trong đó, gói thầu trang bị mạng DWDM Express liên vùng (tháng 10/2022) có tổng mức đầu tư lên đến 559 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án là 450 ngày. Gói thầu được ban hành kèm theo Quyết định số 1693/QĐ-HĐTV của MobiFone Phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, một số gói thầu có giá trị hàng trăm tỷ như Dự án mở rộng vùng phủ sóng khu vực miền Bắc mạng MobiFone năm 2022 có tổng mức đầu tư trên 380 tỷ đồng. Dự án trang bị bổ sung tài nguyên cho hệ thống private cloud năm 2022 – tổng mức đầu tư trên 164 tỷ đồng. Dự án trang bị bổ sung phần cứng tháng 12/2022 do Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ mạng và Truyền thông – Công ty Cổ phần Công nghệ Bằng Hữu trúng thầu cũng có giá trên 95 tỷ đồng.

Theo thống kê tham khảo, năm 2022, MobiFone triển khai hàng chục dự án với tổng mức đầu tư lên đến gần 7.000 tỷ đồng.

Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án mở rộng vùng phủ sóng khu vực miền Nam mạng MobiFone năm 2022.

Hành vi pháp luật nghiêm cấm trong đấu thầu

Được biết, một trong những mục đích chính của đấu thầu là nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm ra nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Nhằm tránh gian lận trong đấu thầu, Luật đấu thầu 2013 của Quốc hội đã quy định các hành vi bị cấm. Trong đó, cấm “nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.

Nghị định 63/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đấu thầu cũng quy định: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalo của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalo đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế”.

Nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, các văn bản pháp luật khác cũng có quy định cụ thể những hành vi mà chủ đầu tư không được đưa vào hồ sơ mời thầu, như Thông tư 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động đấu thầu…

Một số gói thầu có dấu hiệu bất thường

Đối chiếu quy định pháp luật với một số gói thầu do MobiFone làm chủ đầu tư thì thấy nhiều điểm có dấu hiệu bất thường cần được kiểm tra lại.

Chẳng hạn gói thầu trang bị tủ nguồn kèm accu Litthium, Dự án mở rộng vùng phủ sóng khu vực miền Nam mạng MobiFone năm 2022.

Tại phần 16 (yêu cầu đối với CB), mục 2.1 (Tủ nguồn Indoor), Chương V – Yêu cầu kỹ thuật, bên mời thầu đưa ra yêu cầu: “Sản xuất bởi các hãng Schneider hoặc Mitsubishi hoặc Nader hoặc Siemens hoặc CB nguyên bộ của hãng sản xuất tủ nguồn đạt tiêu chuẩn IEC 60898/IEC 60947-2 hoặc tương đương”.

Yêu cầu về hãng sản xuất cũng được đưa ra tại phần thứ tự 16, b – tủ nguồn, Chương V – Yêu cầu kỹ thuật.

Chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu về nhãn mác đối với sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa tại HSMT.

Trong khi đó, các quy định liên quan đấu thầu như vừa nêu ở trên đã quy định rõ về việc, nghiêm cấm Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ.

Đối với Nghị định 63, quy định trường hợp bên mời thầu được đưa ra yêu cầu về nhãn hiệu là khi “không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ” và phải kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” ở phía sau.

Với trường hợp tủ nguồn Indoor, các nhãn hiệu mà bên mời thầu đưa ra đã kèm luôn cả tiêu chuẩn “60898/IEC 60947-2 hoặc tương đương”, vì vậy, đưa nhãn hiệu vào trường hợp này chưa thực sự hợp lý.

Ngoài ra, tại Mục 5, Chỉ thị 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định, bên mời thầu “không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.

Ngoài ra, tại gói thầu này, chủ đầu tư cũng đưa ra yêu cầu về năng lực như: “Thư nhận xét, xác nhận của phía khách hàng đã sử dụng hàng hóa, sản phẩm tương tự được cung cấp bởi nhà thầu (nếu có). Thư xác nhận phải được ký bởi người có đủ thẩm quyền (của phía khách hàng), trong đó phải được ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến người ký xác nhận (Tên đầy đủ, chức vụ, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, Email…) để tiện liên lạc khi cần thiết (nếu có)”.

Theo quy định tại điều 4, Thông tư 09/2020, “Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, đại lý phân phối hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”.

Thông tư 09/2020 cũng hướng dẫn những trường hợp đặc thù, bên mời thầu mới được đưa vào hồ sơ yêu cầu giấy phép bán hàng.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, MobiFone yêu cầu thư nhận xét, xác nhận của khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm, hàng hóa tương tự... là rườm rà, có thể gây khó và hạn chế sự cạnh tranh cho gói thầu.

Ví dụ khác là Gói thầu cung cấp lắp đặt các thiết bị backup accu tại miền Bắc, tháng 8/2022 với tổng mức đầu tư trên 57 tỷ đồng.

Tại phần thứ tự 21, B – Yêu cầu về truyền thông, Chương V- Yêu cầu Kỹ thuật, bên mời thầu đưa ra yêu cầu: “Phần mềm cài đặt được trên hệ điều hành Windows hoặc Linux (sử dụng hệ thống Private Cloud của MobiFone) hoặc trên phần cứng khác do nhà thầu cung cấp”. Việc yêu cầu rõ ràng về chủng loại, nhãn mác và hãng như vậy có thể là dấu hiệu bất thường và dấu hiệu trái quy định về đấu thầu.

Cũng tại Gói thầu cung cấp lắp đặt các thiết bị backup accu tại miền Bắc, phần E-CDNT 15.2 chứng minh năng lực, MobiFone cũng đưa ra yêu cầu giống với Gói thầu trang bị tủ nguồn kèm accu Litthium nêu ở phần trên.

Nhiều gói thầu trước đó (chẳng hạn Gói thầu trang bị đầu tư hệ thống quản lý tài khoản đặc quyền, tháng 6/2022), MobiFone cũng đưa ra yêu cầu về thư xác nhận của khách hàng. Người xác nhận phải có đủ thẩm quyền…

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

  Từ khóa: MobiFone ,đấu thầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP