Trong nước

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022

Nhiều chính sách, quy định mới liên quan đến người lao động chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2022, trong đó có việc điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội.

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH

Mỗi năm, Bộ LĐ-TB&XH đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội.

Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2, hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ.

Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.

Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996 - 1999: Tăng 0,07.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000 - 2003: Tăng 0,06.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004 - 2007: Tăng 0,05.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008 - 2009: Tăng 0,04. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 - 2013: Tăng 0,03.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 - 2020: Tăng 0,02.

Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 "nhích nhẹ" so với năm 2021 khiến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo, trong đó có tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, tiền lương hưu hằng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…

Sinh viên được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm học

Thông tư 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Trong đó, quy định việc tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực.

Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Cán bộ chỉ được trở lại vị trí công tác khi có kết luận không tham nhũng

Nghị định 134 của Chính phủ hiệu lực từ ngày 15/2/2022 có một số quy định mới liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Trước đây, Nghị định 59 năm 2019 quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu khi: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Tuy nhiên, đến Nghị định 134, Chính phủ chỉ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Cho dù hết thời gian tạm đình chỉ, tạm chuyển công tác mà chưa có kết luận là không tham nhũng thì cũng vẫn không được trở lại vị trí công tác cũ.

4 trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Thông tư 21 của Bộ LĐTB&XH quy định chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2. Trong đó nêu rõ, 4 trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ, gồm:

- Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

- Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

- Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.

- Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan làm hộ lý và y tế tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng bảy tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Nếu sang Đài Loan làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là bốn tháng lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Tăng thời gian làm thêm giờ cho lao động thời vụ

Thông tư 18 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 chính thức tăng thời gian làm thêm cho người lao động làm công việc sản xuất có tính chất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng.

Theo Thông tư này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ, trong khi trước đây là không quá 64 giờ; tổng số giờ làm thêm trong một tháng được Thông tư này quy định là không quá 40 giờ, thay cho quy định không quá 32 giờ như trước đây.

Đáng chú ý, kể từ ngày 1/2/2022, khi đi làm thêm vào các ngày lễ, Tết, người lao động làm công việc thời vụ cũng sẽ không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó.

Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo

Thông tư số 31/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022, thay thế Thông tư số 49/2016.

Điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư này là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tạm thời vẫn phải kê khai thông tin về ngày sinh, dân tộc (để phục vụ việc in thẻ và xác định điều kiện của người được cấp thẻ là người dân tộc) do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thành, chưa được chia sẻ.

Quy định mới về xuất xứ hàng hóa

Nghị định 111/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau "sản xuất tại"; "chế tạo tại"; "nước sản xuất"; "xuất xứ"; "sản xuất bởi"; "sản phẩm của" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP