Kinh tế

Masan lên kế hoạch lãi 4.000-5.000 tỷ đồng

Năm 2023, Tập đoàn Masan dự kiến mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông nằm trong khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Masan cho biết The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính. Ảnh Masan

Trong báo cáo thường niên 2022 vừa công bố, Tập đoàn Masan (MSN) dự kiến mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18% và 31% so với mức 76.189 tỷ đồng vào năm 2022. Tuy nhiên, trong tình huống bất lợi khi các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng vẫn tồn tại, ban điều hành dự kiến doanh thu chỉ tăng 10-15%.

Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông (không bao gồm chi phí một lần) dự kiến nằm trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với con số của năm 2022.

Masan cho biết The CrownX (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính khi đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần. TCX kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng cả về doanh thu thuần và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông thiểu số nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn tại Wincommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH).

Còn WinCommerce (WCM) dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000-40.500 tỷ đồng, tức tăng 16-29% so với năm trước nhờ tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện có và mở rộng số lượng cửa hàng.

Doanh thu của Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến đóng góp 30.500-33.500 tỷ đồng, tăng 15-30% so với năm 2022 (không bao gồm doanh thu thịt chế biến), nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh trong mảng kinh doanh thực phẩm tiện lợi, đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình.

Đối với CTCP Masan MEATLife (Mã: MML), công ty kỳ vọng doanh thu thuần đạt từ 8.500 - 9.000 tỷ đồng nhờ vào việc mở rộng danh mục sản phẩm thịt heo và thịt gà, cũng như tăng cường phân phối qua mạng lưới của WCM.

Cũng trong báo cáo này, Masan dự đoán 6 tháng đầu năm sẽ là giai đoạn rất khó khăn khi lạm phát, lãi suất và rủi ro suy thoái vẫn ở mức cao. Những làn sóng vĩ mô sẽ làm giảm tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tạm thời làm chậm lại các động lực tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, công ty kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trở lại, công ty sẽ giám sát chặt chẽ những yếu tố này để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và vận hành, đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận.

Trong dài hạn, Masan cho rằng mức tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ bộ phận người tiêu dùng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu và thành thạo công nghệ. Bộ phận người tiêu dùng này đang thúc đẩy tạo ra những hành vi mới với sản phẩm, địa điểm và cách thức mua sắm hàng hóa của mình.

Tác giả: Nhật Huỳnh

Nguồn tin: nhadautu.vn

  Từ khóa: MSN ,tập đoàn Masan ,Masan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP