Pháp luật

Mạo nhận con nuôi lãnh đạo cấp cao lừa "chạy" dự án

Chỉ là nhân viên bảo hiểm, song Long tự in danh thiếp gắn với nhiều chức danh rất kêu. Thậm chí, đối tượng còn mạo nhận là con nuôi của một lãnh đạo cao cấp để lừa đảo “chạy” dự án…

Ngày 20-3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Trịnh Phi Long (SN 1982, trú ở xã Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Cúc (SN 1958, ở phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại của cặp đôi lừa bịp này là hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân.

Diễn biến phiên tòa cho thấy, thời điểm gây án, Trịnh Phi Long là nhân viên bảo hiểm của một hãng bảo hiểm nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, Nguyễn Thị Kim Cúc cũng là một cán bộ từng công tác tại một cơ quan Nhà nước đã nghỉ hưu.

Trịnh Phi Long cùng đồng phạm tại phiên tòa

Do từng nhiều lần được dự hội thảo về lĩnh vực đầu tư tài chính nên Long nắm được nhu cầu triển khai dự án của không ít doanh nghiệp. Liền ngay sau đó, đối tượng tự đứng ra nhận hồ sơ năng lực của một số doanh nghiệp với lời hứa sẽ “chạy” dự án giúp họ.

Thực hiện mánh khóe lừa đảo, Long trang hoàng cho bản thân bằng một tấm danh thiếp với nhiều chức danh quan trọng trong bộ máy Chính phủ. Và trên tấm danh thiếp ấy, Long đề tên họ là TS. Nguyễn Trí Đức. Thậm chí, tiếp xúc với một số doanh nghiệp, đối tượng còn mạo nhận là con nuôi của một vị lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu.

Chưa dừng lại ở đó, Long còn vào mạng Internet lấy mẫu, rồi chế ra một quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nội dung giao vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, giai đoạn 2015-2018 đối với một số dự án thuộc 23 tỉnh, thành phố và dự án ở 2 bộ ngành.

Về phía Nguyễn Thị Kim Cúc, ngày 20-4-2015, sau khi nghe tin TS. Nguyễn Trí Đức (tức Long) có thể xin được dự án cho doanh nghiệp nên đã chủ động kết nối. Và cũng như bao người khác, Long tiếp tục “chém gió” với Cúc về khả năng của bản thân.

Từ những thông tin Long đưa ra, Cúc không ngừng thổi phồng và rêu rao về chuyện đối tượng có khả năng “chạy” dự án xây dựng cho doanh nghiệp. Cùng thời điểm (tháng 5-2015), ông Hồ Viết Lộc – Giám đốc một công ty về xây dựng đã gặp Cúc đặt vấn đề nhờ vả.

Thế rồi nghe theo những lời mồi chài của Cúc, ông Lộc nhanh chóng giao bộ hồ sơ năng lực cho Long và sau đó được cho xem quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây dựng đường Yên Tĩnh – Hữu Khuông (Nghệ An). Đổi lại, bước đầu ông Lộc phải đưa cho Long 100 triệu đồng chi phí “chạy” dự án.

Bằng miệng lưỡi ba hoa, tháng 6-2016, Cúc tiếp tục nói với ông Ngô Quang Việt (một doanh nhân ở Nghệ An) rằng đối tượng là con cháu của một vị lãnh đạo cấp cao, đồng thời có quan hệ rất gần gũi với một lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Thế nên đối tượng có thể giúp doanh nghiệp ông Việt tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Tưởng thật, ngay sau đó ông Việt làm hồ sơ năng lực công ty, đồng thời nhờ Long xin luôn cho một dự án nạo vét ở Ninh Bình, khi được Cúc đưa tới gặp đối tượng lừa đảo. Cuối tháng 7-2015, ông Việt cũng đã phải đưa cho Long 500 triệu đồng/800 triệu đồng “chạy” dự án mà đối tượng yêu cầu chung chi.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, Long còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của 5 tổ chức, cá nhân khác cũng với thủ đoạn mạo nhận là con nuôi một đồng chí lãnh đạo cấp cao và là cán bộ của Chính phủ. Tổng cộng, tính đến trung tuần tháng 8-2015, Long đã lừa đảo chiếm được hơn 1,4 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định không có căn cứ cho thấy Cúc đồng phạm và được ăn chia tiền bất chính với Long. Tuy nhiên, nữ đối tượng này đã chiếm đoạt 10.000 USD của ông Ngô Quang Việt khi bịa ra chuyện phải mua quà đối ngoại.

Trong ngày đầu xét xử vụ án, Trịnh Phi Long bước đầu thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, song tỏ ra không mấy thành khẩn. Ngày mai (21-3), phiên xét xử này tiếp diễn.

Tác giả bài viết: Lâm Vinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP