Thế giới

Lý do ông Trump luôn né chiến tranh với Iran

Các quyết định vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump không dùng hành động quân sự chống Iran trước một loạt sự kiện và đe dọa từ Tehran là vô cùng thông minh, tinh tế và không thể chê trách.

Đó là nhận định của nhà báo quốc tế cấp cao Sam Kiley trong một bài viết trên CNN. Theo tác giả, các quyết định của ông Trump còn là một nước cờ táo bạo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sam Kiley dẫn các nguồn tin tình báo ở Trung Đông và phương Tây khẳng định cuộc tấn công gần đây vào các cơ sở dầu lửa của Ảrập Xêút xuất phát từ đất Iran. Mỹ, Anh, Pháp và Đức cùng nhiều phía tố Tehran đứng sau các vụ tấn công này dù phiến quân Houthi ở Yemen đứng ra chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cáo buộc thẳng chính xác người Iran tấn công Ảrập Xêút từ Iran - một hành động chiến tranh - vẫn chưa hề được tuyên bố công khai, dù giới chức tình báo nói với các chính trị gia rằng họ chắc chắn 100% thông tin đó là chính xác.

Chọn cách giữ lại những dữ liệu như vậy là dựa trên niềm hy vọng rằng có thể vẫn có những cơ hội đẩy lui nguy cơ chiến tranh ở Vùng Vịnh thông qua ngoại giao. Mức độ cấp thiết của việc đạt được điều này thể hiện rất rõ ở cuộc họp tuần trước của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi Pháp đi đầu trong nỗ lực đưa Mỹ và Iran hướng tới bàn đàm phán.

Bởi vì, công nhận hành động bạo lực nhằm vào một quốc gia có chủ quyền chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng vũ lực từ nước đó, hoặc các đồng minh của nước đó. Và như vậy đồng nghĩa với đặt dấu chấm hết cho ngoại giao.

Nước cờ mà ông Trump và các nhà lãnh đạo khác lựa chọn - không hành động đáp trả các cuộc tấn công nhằm vào Ảrập Xêút - có thể bị Tehran xem là yếu ớt. Và nó có thể dẫn tới một sự leo thang hơn nữa, theo quan điểm của nhiều người trong lĩnh vực ngoại giao và tình báo, từ đó nguy cơ làm nổ ra một cuộc xung đột.

Nhưng tấn công Iran sẽ khởi xướng cuộc chiến phức tạp mà phương Tây và đồng minh không thể chiến thắng, thậm chí dễ dàng bại trận. Đến nay, những chiến dịch mà Mỹ tố Iran thực hiện nhằm vào hoạt động vận tải ở Vịnh Ba Tư, vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Ảập Xêút cùng vụ Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ đều chưa dẫn đến đổ máu.

Một sự trả đũa – có thể sau một vụ tấn công khác - sẽ dẫn đến thương vong. Liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ điều chỉnh phản ứng, và trả đũa phải làm sao gây đau đớn rất lớn cho Iran, nhưng rồi cảm giác tồi tệ sẽ đến.

Các mục tiêu rõ ràng sẽ bao gồm các cấu trúc chỉ huy và điều khiển của IRGC (Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo), hệ thống phòng không, cơ sở tích trữ vũ khí và trung tâm liên lạc chiến lược trên khắp Iran. Các thành phần của chương trình hạt nhân cũng sẽ bị nhắm đến.

Nhưng tất cả đều chủ yếu ở tình trạng bán hoạt động. Người Iran biết điều này. Bất cứ ai lên kế hoạch tấn công Iran đều biết rằng họ biết điều này, vì vậy rất khó có thể tìm được các mục tiêu xác thực. Phía Iran sẽ nghiên cứu các chiến dịch trên không quốc tế chống lại Iraq thời Saddam Hussein, cũng như chống lại Nam Tư, Kosovo và Libya.

Iran vốn đã gặp khó khăn vì cấm vận mà Mỹ áp đặt gây tổn thất nặng nề cho kinh tế nước này. Tehran cũng tức giận khi châu Âu cùng các bên khác không giúp giải vây cho nước này khỏi trừng phạt của Mỹ. Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), được các cường quốc P5+1 nhất trí với Iran năm 2015, theo đó hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận.

Ông Trump cùng một số nhân vật diều hâu, điển hình là Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, lập luận JCPOA là một thảm họa. Họ còn cho rằng Tehran đang lãng phí một cách nguy hiểm những lợi ích kinh tế được hưởng khi tham gia những hoạt động gây bất ổn, thường thông qua các nhóm ủy nhiệm ở Syria và Yemen.

Và Iran bị tố tiếp tục hậu thuẫn cho Hamas ở Gaza, và Hezbollah ở Lebanon, trong khi vẫn phát triển công nghệ tên lửa mà giờ đây được sử dụng đạt hiệu quả ngoạn mục.

Mỹ và một số đồng minh muốn toàn bộ vấn đề phải được đàm phán lại, để đặt dấu chấm hết cho chương trình tên lửa và tham vọng hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Tehran tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại nhưng chỉ khi cấm vận được dỡ bỏ.

Chính sự nguy hiểm khi gây chiến với Iran đã làm dấy lên lo sợ. Hàng trăm nghìn dân quân Shiite ở Iraq có thể coi Iran như ngôi nhà tinh thần của họ. Có những căn cứ của Mỹ trên khắp Iraq tọa lạc ngay cạnh các trại của dân quân Shiite, nơi binh lính vừa trải qua cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sẽ quay sang chống lại Mỹ.

Hàng nghìn binh sĩ Iran hiện đang hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, và một phần trong số họ cùng lính Syria có thể được điều tới để tái chiếm giữ Cao nguyên Golan đang trong tay Israel ngay giây phút cuộc chiến với Mỹ bắt đầu.

Ở miền nam Lebanon, Israel tin rằng Hezbollah có ít nhất 130.000 tên lửa trong tình trạng sẵn sàng tấn công. Một số đủ sức vươn tới Tel Aviv cùng nhiều địa điểm khác sâu hơn về phía nam.

Và như vậy, Israel, đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Trung Đông, có thể ngay lập tức mắc vào một cuộc chiến với những người hàng xóm của mình.

Jordan là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Nước này cũng có một hiệp ước hòa bình với Israel. Và chiến tranh nếu xảy ra ở quốc gia láng giềng có thể đe dọa chế độ quân chủ ở nước này.

Ảrập Xêút, Kuwait, Bahrain, UAE, Qatar đều xuất khẩu dầu và khí đốt thông qua nút thắt cổ chai của Eo biển Hormuz. Iran, theo Mỹ và Anh, đã chứng minh khả năng tấn công các siêu tàu dầu chạy qua nút thắt cổ chai này – có nghĩa là việc bóp nghẹt hoàn toàn tuyến dầu lửa quan trọng nhất của thế giới tương đối dễ dàng.

Chỉ tấn công vào hai nhà máy dầu của Ảrập Xêút đã làm khuấy đảo thị trường dầu thế giới, khiến giá dầu tăng 20% trong thời gian ngắn. Do vậy, làm tê liệt Hormuz, kết hợp tấn công thêm vào UAE và Ảrập Xêút chắc chắn khiến giá dầu vọt lên cao, 100USD hoặc thậm chí 150 USD/thùng.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Iran ,ông Trump ,chiến tranh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP