Pháp luật

Luật có đột phá để ngăn chặn tình trạng 'quân xanh quân đỏ'

Nhiều quy định mới của dự luật Đấu giá tài sản có tính khả thi cao nhưng không chắc chắn các quy định này có thể triệt tiêu nạn 'cò mồi', xã hội đen.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24.10 của Quốc hội về dự án luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Trường Sơn

Đây là tâm tư của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Thị Thu Trang, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận sáng nay, 24.10, của Quốc hội về dự án luật Đấu giá tài sản.

Theo ĐB Trang, thực tiễn việc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay, đang bị chi phối bởi các nhóm đối tượng cò, xã hội đen. Các nhóm này mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng bằng mọi cách uy hiếp người đấu giá.

“Cá biệt ở Nghệ An có trường hợp đã dùng súng để đe doạ, chi phối, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lợi bất chính, đồng thời vô hiệu hóa các quy định của pháp luật của nhà nước, gây hoang mang cho người dân”, ĐB này dẫn chứng, và bày tỏ băn khoăn không rõ các quy định của dự luật này có thể triệt tiêu hoàn toàn nạn cò mồi, xã hội đen trong bán đấu giá tài sản hay không.

“Cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương liên quan và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là các phiên đấu giá tài sản có giá trị lớn”, ĐB Trang đề nghị.

Cũng theo ĐB Trang, trình tự thủ tục dự thảo lần này có bước đột phá để ngăn chặn tình trạng thông đồng “quân xanh, quân đỏ” đang diễn ra nhức nhối hiện nay trong đấu giá tài sản trong đó có các quy định liên quan đấu giá viên.

Theo dự thảo, trong các hành vi bị nghiêm cấm có việc cấm lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; cấm thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; cấm hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngoài đấu giá viên để tổ chức một phiên đấu giá, còn có sự tham gia tích cực của một lực lượng khác đi kèm. Theo ĐB Trang, đây có thể là nhóm có khả năng vi phạm rất lớn nhưng chưa được dự thảo luật đề cập, do vậy dự luật cần bổ sung tiêu chuẩn, các hành vi cấm và các quy định khác liên quan.

Bất lực trước các quy định vô hiệu của pháp luật

Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang cũng đã đề nghị Quốc hội có những quy định riêng mang tính đột phá về bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự để tháo gỡ những khó khăn hiện nay.

Theo ĐB Thu Trang, đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự có những đặc thù riêng như chủ thể yêu cầu bán đấu giá tài sản không phải chủ sở hữu, chủ sử dụng mà là cơ quan thi hành án. Trong khi đó, tài sản bán đấu giá do người thi hành án nắm giữ .

Bên cạnh đó, ngoài lý do thị trường và tình hình tài chính thì khó khăn lớn nhất trong việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự là do tài sản đưa ra bán đấu giá vẫn do người phải thi hành án nắm giữ nên tâm lý khách hàng ngại mua loại tài sản này.

“Nhiều cuộc bán đấu giá không thành công, thậm chí có cuộc phải thực hiện đến 20 lần mà vẫn không bán được tài sản. Cũng có trường hợp đấu giá xong nhưng không giao tài sản được do người có tài sản chống đối quyết liệt, dẫn đến vụ việc kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, gây bức xúc mất an ninh, an toàn trật tự xã hội”, ĐB này dẫn chứng.

Quy định rút gọn dễ bị lợi dụng

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân, cần xem xét lại quy định về việc những tài sản đưa ra đấu giá lần thứ 2 mà không thành công sẽ thực hiện theo quy trình rút gọn. Theo ĐB Cường, quy trình rút gọn là quy trình thực hiện thông báo rất ngắn, rất nhanh, tính công khai minh bạch kém nên dễ bị lợi dụng.

“Vì bất cứ tài sản nào muốn đưa vào quy trình rút gọn cũng rất dễ dàng. Chỉ việc đưa giá khởi điểm lần đầu, lần hai thật cao là sau đó sẽ được chuyển ngay sang hình thức rút gọn”, ĐB Cường phân tích.

Tác giả bài viết: Trường Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP