Người dân đánh bắt cá ở sông Hậu khi mùa nước lũ tràn về - Ảnh: BỬU ĐẤU |
Thực tiễn cho chúng ta ngày càng nhận rõ đặc thù địa lý nhân văn ĐBSCL: nguồn nước dồi dào (gần 500 tỉ m3 nước) tập trung vào mùa lũ kéo dài đến 5 tháng; 85 - 90% tổng lượng lũ chảy theo dòng chính sông Tiền, sông Hậu, còn 10 - 15% tràn bờ; đồng bằng thấp, đất chua phèn và mặn, lại nằm trong vùng thời tiết nóng ẩm quanh năm; nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới, thuận quy luật. Đó là các tác nhân hữu cơ và tất yếu tạo nên hình thái đặc sắc để thích nghi và phát triển bền vững ĐBSCL.
Từ sống chung với lũ...
Những năm 1980, các nghiên cứu khoa học bước đầu và thực tiễn sản xuất dần hé lộ khả năng sử dụng đất phèn thay vì cải tạo đất phèn. Đó là bước ngoặt có tầm quyết định, mở hướng đột phá để lợi dụng lũ tiêu thoát chua phèn và ém phèn, bao bờ chống lũ đầu mùa và lũ tháng 8 ở ngay cả vùng ngập sâu của ĐBSCL.
Các nhà khoa học thủy lợi đã giải được bài toán lũ tràn ĐBSCL với mạng lưới sông ngòi vô cùng phức tạp và các tác động của thủy triều (phần mềm Việt Nam tính thủy lực hệ thống sông và đồng ruộng VRSAP), khẳng định hệ thống kênh và cống, các giải pháp bờ bao, các tuyến giao thông vượt lũ, biến động mức nước, phân bổ nguồn nước, tiêu thoát nước và xâm nhập mặn nằm trong tầm kiểm soát.
Thành công của kênh Hồng Ngự xuyên thẳng vào trung tâm Đồng Tháp Mười dùng lũ đẩy túi phèn lưu cữu và kéo nước ngọt về ém phèn, cùng với việc đan dày hệ thống kênh tiêu thoát lũ vùng tây sông Hậu đã phá thế lúa nổi, hệ thống cống tự động ngăn mặn giữ ngọt tiêu thoát lũ và tiêu chua vùng mặn linh hoạt đã tạo nên bước đột phá những năm 1990.
Sản lượng lúa lên trên 15 triệu tấn và đến nay trên 25 triệu tấn, từ xem lũ là trở ngại lớn đến sống chung với lũ đã được kiểm nghiệm thành công. Quyết định 99/ TTg của Chính phủ xây dựng các tuyến cụm dân cư vượt lũ ĐBSCL là bước ngoặt về an sinh xã hội ở ĐBSCL trong môi trường lũ.
Đến phát triển trong môi trường lũ
Những năm đầu thế kỷ này, từ sống chung với lũ tiến đến kiểm soát lũ, các công trình ngăn và xả lũ ở tứ giác Long Xuyên, đê bao vượt lũ các thị trấn, các trục quốc lộ vượt lũ ngay ở trung tâm Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, hệ thống đê bao vận hành hai chiều vừa vượt lũ vừa chứa lũ lên đến 21.000km và 17.000km đê bao lửng, khoanh trên 4.500 ô có quy mô vài trăm đến cả ngàn hecta, đảm bảo ăn chắc vụ lúa hè thu và mở thêm vụ lúa thu đông, trữ nước vụ đông xuân.
Đó là kết quả của sự giao thoa giữa các nhà khoa học, ý chí và trải nghiệm thực tiễn của nhân dân. Khối lượng đồ sộ như vậy hoàn toàn dựa vào sức dân và một phần ngân sách địa phương, đó là xu thế tất yếu phát triển bền vững ĐBSCL, là cơ sở tạo điều kiện cho các cánh đồng mẫu lớn, đưa quản lý và khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp.
Hệ thống thủy lợi ĐBSCL (bao gồm cả bờ bao và đê bao vượt lũ) là một hệ thống mở có sự tương tác toàn vùng để tạo ra một môi trường nước tổng thể, nối lũ với mùa kiệt và xâm nhập mặn. Sự vận động đó tuần hoàn như cơ thể sống, chưa thấy mâu thuẫn và cạnh tranh giữa các vùng.
Biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện, khai thác tài nguyên nước ở các nước thượng nguồn Mekong đang đặt ra những thách thức lớn với ĐBSCL. Nổi lên là vấn đề xâm nhập mặn và xói lở sông biển. Nhưng thật may mắn, chúng ta lại có một mùa lũ kéo dài ngày, có tám tháng từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau, sông Mekong cuối mùa lũ còn có lưu lượng đến 8.000 m3/s. Đó là chìa khóa cho chúng ta hóa giải để ĐBSCL thích nghi bền vững trước biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên nước ở các nước thượng nguồn sông Mekong.
Từ sống chung với lũ, tiến đến phát triển bền vững trong môi trường lũ là thực tiễn đang hiển hiện ở ĐBSCL, đó là cánh cửa cho ta hóa giải những thách thức mới. Càng vững tin khi chúng ta tranh thủ sự giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, nhất là sự hợp tác với Hà Lan được nâng tầm qua chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thích nghi với các thách thức mới Tầm nhìn đó không có nghĩa là những khó khăn trở ngại cũng như những tổn thất do lũ gây ra không còn, nhất là về dân sinh, có khi rất nặng nề nếu chúng ta chủ quan. Bài bản và kinh nghiệm về chung sống với lũ hàng chục năm qua, nhất là các cơ sở hạ tầng xã hội và dân sinh ngày càng tăng cường, tiến trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện và củng cố, nhận thức cộng đồng được nâng tầm, phương châm “bốn tại chỗ” ngày càng được tăng cường thực lực, cho chúng ta vững tin để chuyển nhận thức và hành động từ chống lũ sang thích nghi bền vững trong môi trường lũ như là một tất yếu của cuộc sống, mà cha ông ta gọi là “mùa nước nổi”, một sự thích nghi bền vững trên cơ sở khoa học và tiềm lực ngày càng vững mạnh để kiến thiết ĐBSCL thành vùng trọng điểm chiến lược vững chắc toàn diện của cả nước”. |
Tác giả: NGUYỄN TY NIÊN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ