Trong nước

Lấy phiếu tín nhiệm tạo động lực phấn đấu cho cán bộ

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng và ông tin, cử tri cả nước sẽ rất quan tâm đến nội dung này.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…

Trước kỳ họp, Người Đưa Tin (NĐT) lắng nghe những chia sẻ, kỳ vọng từ ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội.

NĐT: Thưa đại biểu, kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra trong 22 ngày, chia làm 2 đợt. Xin ông đánh giá về khối lượng công việc của kỳ họp và những nội dung sẽ đưa ra xem xét thông qua tại kỳ họp này?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Kỳ họp lần này có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, cấp bách đối với sự phát triển đất nước.

Điều này vừa phản ánh tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội trong việc đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri, phù hợp với đòi hỏi của tình hình hiện nay của đất nước, vừa thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ “nói đi đôi với làm” quyết liệt trong hành động, năng động, sáng tạo, chuẩn bị tốt các công việc từ sớm, từ xa đối với các nội dung của Kỳ họp.

Tôi tin, với tinh thần ấy, cử tri chắc chắn sẽ tin tưởng nhiều hơn vào những quyết định sáng suốt của Quốc hội.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn kỳ vọng vào những kết quả tích cực tại kỳ họp thứ 6, tạo tiền đề vững chắc để Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

NĐT: Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu đã thông tin về việc sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay từ đầu kỳ họp. Ông có kỳ vọng gì ở nội dung này?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Việc lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng, và tôi tin, cử tri cả nước sẽ rất quan tâm đến nội dung này. Đối với người giữ chức vụ, kết quả tín nhiệm là tấm gương soi, đánh giá của Đại biểu Quốc hội (và cũng là của cử tri) về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của họ. Từ đó, họ có thêm nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cách thực hiện đúng chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động Nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Đối với cử tri, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu đối với cử tri cả nước.

Như thế, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội. Tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước.

NĐT: Tại kỳ họp này, dự án Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được thông qua, nếu thông qua sẽ giải quyết được những “điểm nghẽn” gì, thưa ông?

Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra trong 22 ngày, chia làm 2 đợt.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Đây là hai dự án luật hết sức quan trọng. Trong các lần tiếp xúc cử tri của mình, tôi nhận thấy rằng, hầu hết các khiếu kiện đều liên quan đến đất đai, nhà ở.

Vì thế, nếu giải tỏa được điểm nghẽn này, chúng ta không chỉ tạo ra một hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn cho sự phát triển trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, mà còn tạo ra một nguồn lực lớn cho sự phát triển đất nước, giảm khiếu kiện từ đó tạo tinh thần phấn chấn, thoải mái, đoàn kết hơn trong xã hội.

NĐT: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, xin ông đánh giá như về sự cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong các kỳ họp Quốc hội?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Tôi nhận thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sự cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong các kỳ họp Quốc hội đã thực sự tạo ra chất lượng, hiệu quả trong các quyết sách của Quốc hội, thực sự đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri của cả nước, tạo điều kiện phát triển đất nước trong giai đoạn hết sức khó khăn này.

Vì thế, chúng ta có thể kỳ vọng vào những kết quả tích cực nữa tại kỳ họp thứ 6. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là hoàn thành thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, bà quan tâm nhiều đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này. Theo bà, đây là hoạt động quan trọng của Quốc hội để đánh giá uy tín, năng lực của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, các lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành" là vô cùng quan trọng.

“Kết quả của lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các đại biểu Quốc hội đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao; hai là, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là sự ghi nhận, động viên của các ĐBQH đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu, trên cơ sở đó cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại ở những ngành, lĩnh vực cụ thể kịp thời có những giải pháp để khắc phục. Không chỉ các ĐBQH mà đông đảo cử tri và nhân dân cũng rất quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, hoạt động chất vấn vẫn luôn là hoạt động có "sức nóng" và "sức nặng" tại nghị trường”, bà Việt Nga nhấn mạnh.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP