Em 30 tuổi, kết hôn gần một năm, do nhà chồng chủ động dạm hỏi, cha mẹ đồng ý, bản thân em thấy mình cũng không còn trẻ nên nghe theo. Ban đầu, em hy vọng nhiều vào cuộc hôn nhân này, vì nhìn bề ngoài anh có vẻ chững chạc, nói năng nghiêm túc, con nhà khá giả; mẹ anh lại không tiếc lời khen ngợi con trai hiền lành, giỏi giang.
Về nhà chồng, em mới tá hỏa khi biết chồng mình thật sự là người thế nào. Anh từng bị tai nạn giao thông chấn thương cột sống, không còn khả năng đàn ông. Anh nói thẳng với em: “Anh lấy vợ chỉ đơn giản vì mẹ anh muốn có con dâu cho đủ đầy như nhà người ta. Dù sao giờ cũng đã cưới rồi, em hãy sống với anh như hai người thân trong nhà cho mẹ vui lòng, anh sẽ không làm phiền gì em. Bệnh của anh đã chạy chữa nhiều nhưng vô vọng. Nhận con nuôi thì anh không muốn. Nếu em không chấp nhận thì cứ ly hôn, dù gì anh cũng đã cưới vợ xong, mọi người sẽ không dị nghị là anh có vấn đề nữa”.
Ngán ngẩm hơn, vì căn bệnh đó nên chồng em sống bất cần tương lai, ăn chơi phá phách, nhậu nhẹt, cờ bạc đủ kiểu, chẳng thèm động tay làm việc gì, mọi chuyện đều đã có mẹ anh bao bọc. Anh đi bất kể giờ giấc, nợ nần khắp nơi; chủ nợ lùng kiếm thì trốn chui trốn nhủi, chờ mẹ giải quyết xong mới ló mặt ra.
Em uất ức, khổ sở vì bị lừa vào một cuộc hôn nhân giả tạo nhưng không biết phải xoay chuyển thế nào. Ly hôn, về lại với cha mẹ ruột thì mang tiếng gái bỏ chồng, thiên hạ đàm tiếu. Lại đã một lần đò, tuổi không còn trẻ, làm sao em bước tiếp; sau này, liệu có người tử tế nào dám đến với em? Nhưng, nếu lặng lẽ cam chịu làm dâu hờ thì khác nào chôn vùi bản thân trong bóng tối tủi cực, mòn mỏi chịu đựng cả đời. Có phải em đã cùng đường?
Ảnh minh họa
Em Hạnh mến!
Nếu đã nhận ra mình rơi vào đường cùng thì bất kỳ ai cũng không cam tâm khoanh tay chờ chết, mà luôn hết sức quay dọc, rẽ ngang tìm lối thoát. Đó là lẽ tất nhiên! Một điều thường tình nữa, hẳn em cũng hiểu, là một khi đã sai lầm, thì dù ít, dù nhiều cũng phải trả một cái giá nào đó để làm lại. Hoàn cảnh của em cũng vậy, đã vấp ngã vào cái bẫy hôn nhân hờ đó thì phải biết nhịn đau, chấp nhận thương tích, phủi gối đứng lên, sao lại ngồi tuyệt vọng trong bóng tối?
Cho dù em cố gồng mình chịu đựng thì sức chịu đựng của con người cũng có hạn, liệu em có chịu đựng nổi cả đời không? Thời gian không chờ đợi ai, đến khi sức chịu đựng cạn kiệt, oán giận bùng phát, mọi thứ vỡ ra thì đã quá muộn màng. Em sợ dư luận nhưng dư luận có nuôi sống được em, có mang đến cho em một người chồng đúng nghĩa, một gia đình yên ấm? Để tự cứu mình, em có cần phải nặng lòng với vài ba câu đàm tiếu của những kẻ xấu miệng?
Em hãy nhìn cho kỹ những gì trước mắt. Một người vừa không có khả năng làm đàn ông, lại vừa chơi bời cờ bạc, sống ký sinh vào váy mẹ thì làm sao có thể nhận làm chồng, có thể chung sống được lâu bền? Cho dù có phải sống đơn thân cả đời, em cũng nên chọn tự do, tự làm chủ đời mình, chứ không việc gì phải gánh cục nợ đó vào thân.
Hãy vạch rõ sự thật cho cha mẹ em biết là đã bị gia đình anh ta lừa dối cho vào bẫy. Chẳng cha mẹ nào cam lòng để con mình phải sống như thế cả. Ly hôn là chuyện em cần làm càng sớm càng tốt. Đừng lãng phí thêm thời gian và tuổi xuân. Cũng đừng lo sau này không tìm được một người tử tế đến với mình. Em cứ mở lòng, sống chân tình với mọi người, tạo lập thêm các mối quan hệ, chuyện gì đến sẽ đến. Tuổi của em đâu phải đã quá muộn. Đàn ông tốt cũng đâu phải đã “tuyệt chủng”. Vấn đề là làm sao cho những người đang tìm kiếm “một nửa còn lại” có thể nhận ra tấm lòng của nhau. Phải biết lạc quan mà sống, em nhé!
Tác giả bài viết: Hạnh Dung