Nằm bên bờ sông Nhuệ, cách Trung tâm Thủ đô trên dưới 20km, Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được biết đến là một trong những chiếc nôi đầu tiên với các thương nhân, doanh nhân cự phú phát đạt với nghề tơ lụa, vải vóc,... một thời.
Những doanh nhân này lập nghiệp ở những con phố cổ sầm uất nhất của Hà Nội 36 phố phường, như Hàng Ngang, Hàng Đào,... biển hiệu do các doanh nhân quê Cự Đà gây dựng giờ vẫn còn. Các bậc cự phú như cụ Cự Doanh, sau đó là cụ Cự Chân - một trong những người được coi là tổ nghề của nghề dệt kim Đông Xuân; thế hệ sau nữa là những cái tên Cự Phát, Vũ Từ Đặng... đã đặt nền tảng để tạo dựng tên ngành thương nghiệp vải vóc, tơ lụa của Việt Nam, khiến cả người Pháp thuở ấy cũng phải kính nể. Hậu duệ của các doanh nhân ấy vẫn đang tiếp nghề mà cha ông khai phá.
Làng doanh nhân một thời sắp đổi tên thành “làng tiểu hổ”? |
Làm ăn, buôn bán giàu có, những doanh nhân thành đạt của Cự Đà đã mang tiền của về xây dựng quê hương. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ 19, Cự Đà đã trở thành vùng quê giàu có như phố thị, và là ngôi làng đầu tiên có điện ở Việt Nam.
Năm 1929, Cự Đà là thôn đầu tiên có điện để phục vụ cuộc sống. Khi đó, nơi đây chẳng khác gì một khu phố thu nhỏ của Hà Nội. Vào những chiều cuối tuần, các doanh nhân giàu có lại đánh xe hơi về quê để hưởng không khí thanh bình nơi thôn dã.
Ngay kiến trúc trong làng, các bậc cự phú đã xây dựng ở quê những biệt thự theo lối kiến trúc của Pháp, cùng với hệ thống đình chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Thậm chí ở đây còn có cả nhà Thọ từ là nơi diễn ra lễ mừng thọ hàng năm, nhà Hội đồng xây theo kiến trúc Pháp để hội họp.
Khác với các doanh nhân thành đạt quê mình, hậu sinh của họ ở lại làng gắn bó với nghề làm bánh đa, miến dong, làm tường... |
Trong cơn lốc đô thị hóa, họ chuyển sang mưu sinh bằng nghề mở quán tiểu hổ |
Cự Đà giống như bản sao của những con phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào nơi các doanh nhân này buôn bán, sinh sống. Họ cũng đặt tên cho từng ngõ xóm, gắn số cho mỗi ngôi nhà,... khiến làng quê thuộc vùng chiêm trũng chẳng khác gì nơi phố thị.
Thế nhưng, những người ở lại làng không học được nghề buôn của các doanh nhân thành đạt quê mình. Họ thuần túy làm nghề nông, canh cửi, và bền vững với nghề làm bánh đa, tương, miến,... truyền thống theo kiểu tự sản tự tiêu.
Nghề làm miến, bánh đa, tương Cự Đà rồi cũng đến đoạn suy vi. Trong làng, chỉ còn dăm ba hộ vẫn duy trì nghề cũ.
Cơn lốc đô thị hóa khiến bộ mặt làng cổ Cự Đà thay đổi theo hướng tiêu cực không ai mong muốn: làng cổ bị băm nát, những công trình cũ xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho số lượng người tăng theo cấp số nhân,... Nhà có điều kiện thì đập bỏ công trình cũ đi xây mới, khiến làng cổ nhấp nhểnh nhà cũ, nhà mới hiện đại chẳng theo lối kiến trúc nào mà tự phát, đông tây, kim cổ lẫn lộn.
Quán tiểu hổ mọc lên ở khắp mọi ngõ ngách trong làng Cự Đà |
Con sông Nhuệ hàng chục năm biến thành dòng sông chết, mùi hôi thối, xú uế bốc lên phả vào làng mà vì phải chịu đựng, người Cự Đà cũng quen, chỉ người lạ tới làng mới nhận ra một luồng không khí khác.
Chủ tịch xã Cự Khê Đặng Anh Phương cho biết, phần lớn quỹ đất nông nghiệp của xã đã bị thu hồi cho dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Xã còn khoảng 30-40ha đất nông nghiệp, do đô thị hóa phá nát hệ thống kênh mương tưới tiêu, không thể duy trì sản xuất nông nghiệp như trước. Diện tích đất này cũng có chủ trương thu hồi nốt, phục vụ cho một khu đô thị khác đã được quy hoạch.
Hết ruộng, không còn nghề nông, người dân làng cổ mưu sinh bằng đủ các nghề: nấu rượu, làm miến, bánh đa,... thanh niên lớn lên đi làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Gần đây, về Cự Đà, khách phương xa không khỏi giật mình bởi dọc con đường xuyên suốt làng, hàng chục quán nhậu “tiểu hổ”, “thịt mèo làng cổ” mọc lên san sát. Biển hiệu treo dọc đường làng, ở những vị trí đẹp nhất để ai cũng có thể nhìn thấy. Nó che lấp cả những nét trạm trổ tinh xảo của những công trình nhà cổ theo kiến trúc Pháp, những cổng làng, cổng xóm,...
Biển hiệu "tiểu hổ" treo khắp làng cổ |
Một ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi trở thành "thương hiệu" cho quán nhậu thịt mèo |
Chị N.T.H, chủ một quán thịt mèo tại đây, cho hay ban đầu chỉ có một vài quán, rồi người nọ nhìn người kia mở theo, khách ăn nhậu biết tiếng rủ nhau về mỗi ngày một đông. Có cầu ắt có cung. Giờ đếm sơ sơ, từ Cự Đà lan sang làng Khúc Thủy (xã Hữu Hòa liền với Cự Khê) dễ có tới cả trăm quán”.
Tỏ vẻ tiếc nuối về những công trình xưa cũ, về hình ảnh ngôi làng được gắn số đầu tiên ở Việt Nam, chị H. chép miệng: “Đâu cũng vì mưu sinh cả thôi. Thôi thì, vì miếng cơm manh áo, nghề nào lương thiện, có thu nhập thì mình cứ phải làm”.
Đến một ngày, Cự Đà nhỏ bé bên những công trình cao tầng mọc lên như nêm cối, làng doanh nhân gắn với nghề buôn vải vóc, tơ lụa mỹ miều một thời, đổi tên thành “làng tiểu hổ” chắc cũng chẳng còn xa.
|
Làng doanh nhân một thời sắp đổi tên thành “làng tiểu hổ”? |
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: Báo Vietnamnet