Giáo dục

"Làm thầy giáo bây giờ rủi ro hơn cả tham gia giao thông"

Vai trò, khó khăn, thách thức đặt ra với người thầy trong xã hội hiện đại là những vấn đề được đặt ra để các nhà quản lý, các giáo viên, những người làm giáo dục bàn thảo tại Tọa đàm “Đổi mới giáo dục – Nhìn từ góc độ người thầy” diễn ra sáng ngày 11/11 do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tham gia tọa đàm: "Chúng ta cần trả người thầy về đúng vị trí của người thầy, đúng tâm thế của người thầy, giúp cho người thầy có một môi trường làm việc an lành nhất”.

‘Làm thầy bây giờ rất nhiều rủi ro’

Câu chuyện áp lực của người thầy trong xã hội hiện đại được các khách mời nhắc đến nhiều nhất trong cuộc trao đổi.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, trước hết người thầy phải chịu áp lực từ chính những đòi hỏi đổi mới.

“Đứng trước đòi hỏi đổi mới ấy, người thầy có yên tâm với kiến thức mình đang có không? Có yên tâm với phương pháp mình đang có không? Người thầy phải tự bồi dưỡng như thế nào để đáp ứng được chương trình đổi mới sắp tới? Đó là một áp lực rất lớn”.

Một áp lực khác mà bà nêu ra chính là áp lực từ phía phụ huynh và xã hội đối với người thầy.

“Xã hội đang có những yêu cầu, đòi hỏi rất cao và cũng rất chính đáng đối với nhà giáo. Ngày nay, sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh với nhà trường rất tốt, rất tích cực, phụ huynh đóng góp rất nhiều trong nhà trường, nhưng bên cạnh đó sự giám sát của phụ huynh cũng là một áp lực không nhỏ đối với người thầy. Ngày xưa, người thầy được toàn quyền tạo ra sản phẩm ấy. Thầy có thể đặt ra yêu cầu rất cao, thực hiện những cách răn dạy của thầy mà phụ huynh không can thiệp vào. Chuyện thầy cô quát mắng học trò tôi không cổ xúy, nhưng cách đây 10-20 năm, nó không phải là vấn đề, còn bây giờ chỉ cần một hành động nhỏ thôi của thầy cô là thông tin tràn ngập trên báo chí, người thầy lập tức bị lên án”.

Cô giáo Bùi Thị Thủy, đại biểu Quốc hội, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa tham gia tọa đàm.

Có 16 năm đứng trên bục giảng, bà Mai Hoa cũng bày tỏ sự chia sẻ với các thầy cô về vấn đề đạo đức học đường ngày nay.

Bà nói, đâu đó cũng sẽ có những thầy cô lên lớp, dạy cho hết giờ để ra, chứ không còn hoàn toàn đặt hết tâm huyết như cái cách người thầy cách đây 10-15 năm đã làm.

“Chúng ta cần coi đây là một thách thức lớn, giúp thầy cô tháo gỡ những thách thức này để trả người thầy về đúng vị trí của người thầy, đúng tâm thế của người thầy, giúp cho người thầy có một môi trường làm việc an lành nhất”.

Nói vui về áp lực của người thầy, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ:

“Làm thầy giáo bây giờ vô cùng nhiều rủi ro, rủi ro hơn cả tham gia giao thông. Bố mẹ có phạt con một cái coi là chuyện bình thường, nhưng người thầy mà làm thế, bị quay clip đưa lên thì là bạo hành học đường. Những rủi ro ấy diễn ra thường xuyên trong những tình huống sư phạm vô cùng đa dạng. Người thầy bây giờ dạy xong buổi nào mới biết hôm đó mình an toàn”.

Thế giới phẳng, thầy liệu có biết nhiều hơn trò?

PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân: “Người thầy luôn phải thay đổi, luôn phải tạo dựng những chuẩn mực mới, thích nghi với chuẩn mực mới".

Trước một xã hội đang có rất nhiều thay đổi, PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, người thầy không thể cứ dựa vào những chuẩn mực cũ.

“Người thầy luôn phải thay đổi, luôn phải tạo dựng những chuẩn mực mới, thích nghi với chuẩn mực mới. Vấn đề bây giờ không chỉ đơn thuần là kiến thức, mà là sự hiểu biết, tiếp cận, khả năng nhận biết”.

Theo thầy Cường, ngày xưa thầy trò dạy và học theo sách, còn bây giờ thế giới mở, có cả một kho tàng kiến thức ngoài nhà trường mà học trò có thể tiếp cận. Liệu khi lên lớp, thầy đã biết được nhiều thông tin hơn trò hay chưa? Vì thế, vấn đề ở đây không phải là thầy biết nhiều hơn, mà là thầy làm sao để làm chủ tình huống đó. Thầy muốn làm chủ, thầy phải chủ động, tiếp cận được nhiều cái mới của xã hội trong khi điều kiện của nhà trường còn hạn hẹp. Yêu cầu đó đòi hỏi thầy phải nỗ lực nhiều hơn.

Vấn đề tốc độ phát triển của tri thức cũng được GS.TS Đinh Quang Báo đặt ra. Ông cho rằng, thế giới phẳng dẫn tới thay đổi chức năng của nhà giáo. “Học trò bây giờ đắm mình trong bể thông tin. Cho nên, người thầy phải làm gì để chuyển đổi từ người cung cấp thông tin sang người dạy cho học trò biết thu nhập, xử lý, cư xử với thông tin ấy để trở thành những thông tin có lợi cho mình, cho cộng đồng và xã hội” – GS. Báo nói.

Bàn về vấn đề này, cô giáo Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Quốc hội, giáo viên Trường THPT Giao Thủy, Nam Định cho rằng, với nguồn thông tin đa chiều, hoàn toàn khác với cách đây 10-20 năm, học sinh bây giờ biết tìm đến những bài học hay trên mạng, được mô tả cụ thể và dễ hiểu hơn so với bài giảng của thầy mình rất nhiều.

“Vậy, nếu người thầy không thay đổi, sẽ gây nhàm chán, bản thân người thầy sẽ tự đào thải chính mình. Học sinh sẽ đào thải cách dạy của thầy để tiếp phương pháp mới từ xa”.

“Với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, giữa cái thực và ảo có những giới hạn mập mờ, thông tin sẽ là con dao hai lưỡi nếu như người thầy không định hướng cho học sinh tìm nguồn tri thức chính xác”.

Theo cô Thảo, giáo viên phải là người kích thích khả năng tự học của học sinh. Giáo viên phải tự đổi mới, tiên phong đi trước, nhìn thấy mặt trái của vấn đề, tiên lượng những tình huống có thể xảy ra, khi đó giáo viên mới là người định hướng con đường đúng giúp học sinh tiếp cận kiến thức.

Người thầy phải có quyền lực cao nhất

Cô giáo Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Quốc hội, giáo viên Trường THPT Giao Thủy, Nam Định: “Nếu người thầy không thay đổi, sẽ gây nhàm chán, bản thân người thầy sẽ tự đào thải chính mình".

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa và cô giáo Đặng Thị Phương Thảo đều đồng tình rằng, một trong những vấn đề cần làm sớm để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là cải thiện chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm.

Vừa qua đã có những câu chuyện điểm thi vào các trường sư phạm quá thấp, một số ít trường hợp giáo viên xin ra khỏi ngành.

Bà Hoa nói:

“Chúng ta phải tiên lượng, nếu cơ chế chính sách không thay đổi, thì không chỉ là việc sinh viên không chọn nghề giáo, mà chúng ta có thể phải đối mặt với vấn đề nhà giáo phải rút ra khỏi ngành. Đó sẽ là một áp lực rất lớn cho ngành sư phạm”.

Bà cho biết, trong năm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách cho nhà giáo.

“Hiện có tới 168 văn bản liên quan tới chính sách cho nhà giáo, rất nhiều và rộng, nhưng trong cái nhiều và rộng ấy lại rất thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, cho nên nhiều chính sách không thể đi vào thực tế cuộc sống. Nghề giáo là nghề đặc thù nhưng chính sách không đặc thù thì sẽ không động viên, tạo động lực cho người thầy”.

Bà Hoa cũng nhắc lại chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ mới đây: Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng lại không quyết được về hai vấn đề nhân sự và tài chính.

Trả lời câu hỏi “nếu là đại biểu Quốc hội, ông sẽ đề xuất vấn đề gì đầu tiên?”, GS.TS Đinh Quang Báo khẳng định cần phải có “sự đột biến trong việc cải thiện đời sống vật chất cho giáo viên”.

GS. Báo cho rằng, trong bối cảnh chúng ta không dư giả gì về tài chính để đãi ngộ thì chi tiêu trong giáo dục cần phải quy định lại trọng số đầu tư cho giáo viên.

“Thứ hai, cần quy hoạch lại việc quản lý đội ngũ giáo viên, phải quản lý một cách đặc thù và chặt chẽ để đảm bảo chúng ta luôn chủ động có đội ngũ giáo viên chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đồng thời giáo viên đào tạo ra đúng theo quy hoạch, không bị dư thừa”.

Nguyên lãnh đạo ngôi trường đào tạo giáo viên lớn nhất nhì cả nước cho rằng cần phải trao cho giáo viên quyền lực cao nhất ở trường học. Họ phải là người có quyền sáng tạo cao nhất, là người có nhu cầu đổi mới, đề xuất đổi mới và là người điều chỉnh. “Làm được như vậy thì cải cách giáo dục sẽ đi vào đúng bản chất, đi ra từ đời sống giáo viên và quay lại hoạt động của giáo viên ở nhà trường. Để có được cái đó, giáo viên phải được thỏa sức sáng tạo”.

“Tôi cho rằng câu tổng kết của UNESCO là súc tích nhất về vai trò của người thầy: Chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo” – GS. Báo chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP