Trong nước

Làm gì để giảm tai nạn ở cao tốc 'con nhà nghèo' miền Trung?

Tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ (nối Đà Nẵng tới Quảng Trị) sẽ còn mất nhiều thời gian để mở rộng làn đường và làm dải phân cách. Cần làm gì giảm tai nạn trên tuyến cao tốc đầu tư theo kiểu "con nhà nghèo" đi qua miền Trung?

Vị trí nút ra vào cao tốc - nơi được xem có nhiều nguy cơ va chạm nhất - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nguy hiểm ở "nút cổ chai"

Đoạn đường của vụ tai nạn ngày 18-2 trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ được thiết kế để xe nhập làn từ tỉnh lộ hướng Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các điểm "nút cổ chai" là đoạn mà những tay lái mới, không quen đường hay gặp nguy hiểm.

Lần đầu chạy tuyến này, chị Thu Hoài (TP Đông Hà, Quảng Trị) suýt gặp nguy hiểm ở hai làn nhập một.

Chị kể lần đó dù đã thấy biển báo tới đường nhập làn, nhưng do không ước lượng tính toán được khoảng cách còn có thể chạy song song và tốc độ xe bên cạnh nên chị chạy quá ga.

"Những lần sau dù không cầm lái nhưng tôi luôn quan sát kỹ và nhắc người ôm vô lăng khi cảm thấy còn có một đoạn ngắn, bên cạnh có xe thì không bao giờ dám đánh cược tính mạng", chị kể.

Đọc thông tin tai nạn ngày 18-2, cả nhà chị càng hãi hùng hơn với kỷ niệm đáng quên ở "nút cổ chai".

Theo ghi nhận ở nút này, đây là đoạn có 2 làn xe và có dải phân cách nên vẫn cho phép vượt nếu các điều kiện an toàn được đảm bảo.

Sau nhiều vụ tai nạn, hệ thống cảnh báo trên tuyến Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ được điều chỉnh cụ thể hơn từng vị trí - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đường chưa hoàn chỉnh cần chú ý điểm nguy cơ

Theo kết luận từ cơ quan chức năng, các vụ tai nạn vừa qua chủ yếu đến từ lỗi chủ quan của người lái như việc vượt ẩu, ngủ gật, không tuân thủ các biển báo, tín hiệu lệnh…

Tuy nhiên nếu cao tốc được đầu tư "ra tấm ra miếng" chứ, không phải là cao tốc phân kỳ, làm theo kiểu "con nhà nghèo" sẽ hạn chế được những tai nạn đến từ lỗi chủ quan của người lái.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Cường (khoa xây dựng cầu đường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng), diễn biến tâm lý của người lái xe trên đường chịu tác động lớn của các yếu tố môi trường bên ngoài (mô hình thông tin môi trường - người lái).

Từ cơ sở này sẽ có những giải pháp cảnh báo thích hợp tạo nhận định đúng và tâm lý tốt cho người lái xe sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.

"Tôi lấy ví dụ trên đoạn cao tốc có mặt cắt đường không đồng nhất, thay đổi bề rộng liên tục nhưng cảnh báo không đủ, không liên tục sẽ dễ gây hiểu nhầm cho người lái xe", ông Cường nhận định.

Khi xem bản đồ vệ tinh vị trí tai nạn, một giảng viên bộ môn đường ô tô - đường thành phố khoa xây dựng cầu đường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng khi di chuyển ở đường nhập làn có tới 3 làn đường dễ khiến người lái chủ quan.

Di chuyển nhanh trên đoạn ngắn rồi đột ngột đường "thắt" lại còn 1 làn dễ làm người lái bất ngờ.

Giảng viên này cho rằng trong điều kiện lý tưởng cần sớm đầu tư mở rộng toàn tuyến để đáp ứng các tiêu chuẩn giao thông.

Đặc biệt là sớm mở rộng đoạn Hòa Liên - La Sơn, nơi có địa hình đồi núi có nhiều đường cong với độ dốc cao.

Theo ông, trong thời gian chờ nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh thì cần chú ý đến một số điểm nhập dòng, đoạn cấm vượt, một số đoạn dốc lớn và đường cong bán kính nhỏ.

"Về hệ thống cảnh báo cần tăng cường biển báo, vạch sơn kết hợp đèn, thậm chí còi và bố trí phù hợp trên tuyến.

Tuy nhiên di chuyển trên đường thì ý thức của lái xe quyết định đến an toàn" - giảng viên này nói.

Tác giả: TRƯỜNG TRUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP