Kinh tế

Lãi suất tiết kiệm tăng ở nhiều ngân hàng

Từ cuối tháng 3, đã có thêm một loạt ngân hàng mới gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng.

Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online) mới cập nhật từ ngày 1/4, NamABank đã điều chỉnh tăng lãi suất ở một loạt kỳ hạn so với tháng liền trước.

Cụ thể, trong khi các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tại nhà băng này vẫn có mức lãi suất 3,9%/năm, NamABank đã tăng 0,1 điểm % lãi suất với các kỳ hạn 6-9 tháng, hiện phổ biến ở mức 6,5-6,6%/năm.

Ở kỳ hạn 10 tháng, nhà băng này hiện áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm, cao hơn 0,3 điểm % so với tháng trước.

Trong khi đó, kỳ hạn gửi tiền 11 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 6,8%/năm; kỳ hạn 12-15 tháng nhận mức lãi suất 7,2%/năm và gửi trên 16 tháng hưởng lãi suất cao nhất 7,4%.

Dù các kỳ hạn tiền gửi này tại NamABank không thay đổi so với tháng trước, nhưng so với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhà băng này đã tăng tới 0,3-0,5 điểm %.

Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân tại Techcombank áp dụng từ 30/3 cũng ghi nhận tăng ở một số kỳ hạn.

Techcombank đưa ra mức lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân cao nhất 7,8%/năm, áp dụng với các khoản tiền trên 999 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong đó, ngân hàng này đã quyết định nâng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên tối đa 7,8%/năm, cao nhất hệ thống hiện nay. Mức lãi suất rất cao này đi kèm điều kiện khách hàng phải gửi số tiền tối thiểu là 999 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong tháng trước đó, Techcombank chưa hề đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi này với các khách hàng cá nhân.

Với các khoản tiền gửi nhỏ hơn, mức lãi suất Techcombank trả cho khách hàng vẫn tương đương tháng trước, phổ biến ở mức 2,55-3%/năm ở kỳ hạn 1-5 tháng; 4-4,1%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 4,7-5,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

So với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhà băng có xu hướng không đổi ở các kỳ hạn dưới 12 tháng và tăng 0,4 điểm % ở các kỳ hạn trên 12 tháng.

Cũng đưa ra biểu lãi suất mới từ 29/3, Vietcapital Bank tăng 0,1-0,2 điểm % lãi suất với các khoản tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng.

Trong đó, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng tại nhà băng này hiện ở mức 6,8%/năm, cao hơn so với mức 6,6-6,7%/năm tháng liền trước. Nếu so với cuối năm 2021, mức lãi suất này đã tăng tối đa 0,3 điểm %.

Trong khi đó, các kỳ hạn gửi dưới 12 tháng tại ngân hàng này vẫn được duy trì tương đương tháng trước, với 3,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1-5 tháng; 5,9-6,2%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 6,4-6,5% với kỳ hạn 12-15 tháng.

Trong tháng trước, một loạt ngân hàng như BacABank, OCB, SCB, LienVietPostBank, HDBank, Saigonbank, ACB… cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi áp dụng với khách hàng cá nhân.

Tính từ đầu năm, chỉ có nhóm ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank) duy trì lãi suất tiền gửi không đổi so với cuối năm 2021, trong khi hầu hết ngân hàng thương mại đều đã tăng biểu lãi suất tiền gửi ít nhất một lần.

Hiện lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng quốc doanh phổ biến ở 3,1-3,4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 4%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,3-5,6%/năm.

Theo dữ liệu của SSI Reseach, tính từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã tăng 0,1-0,5 điểm % lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.

Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mại cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online hiện cao hơn 0,2-0,3 điểm % so với kênh gửi truyền thống.

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ có xu hướng nhích tăng với mức tăng phụ thuộc vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát. Trong kịch bản cơ sở, SSI Research dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,2-0,25 điểm % trong nửa cuối năm nay.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP