![]() |
Nhiều công nhân nhận khoán vườn cà phê của Công ty cà phê Ia Sao 1 bức xúc với cách thu bảo hiểm bằng cà phê của doanh nghiệp - Ảnh: Tấn Lực |
Đáng chú ý, việc yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê thay vì đóng tiền được đưa ra từ hai năm qua khi giá cà phê duy trì ở mức cao.
Ấm ức cách đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê kỳ lạ
Phản ánh tới Tuổi Trẻ, nhiều lao động của Công ty cà phê Ia Sao 1 và Công ty cà phê 706 (thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam), nêu bức xúc khi doanh nghiệp yêu cầu họ đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê. Các công nhân này nhận giao khoán vườn cà phê nhiều năm, có người đã gắn bó hơn 20 năm.
Theo bà con, họ nhận giao khoán vườn và chăm sóc, bón phân, tưới nước... mỗi vụ đóng sản lượng 4 tấn cà phê tươi, số còn lại được hưởng. Công ty đứng ra đóng bảo hiểm xã hội thay công nhân và thu lại số tiền này vào cuối năm.
Nhưng hai năm qua, khi giá cà phê liên tục duy trì ở mức cao, công ty yêu cầu công nhân đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê ở mức hơn 1,7 tấn/người/năm. Ngoài ra, tùy bậc lương mà người lao động còn phải đóng thêm bằng tiền với mức 5 - 10 triệu đồng/người.
Người dân cho rằng mức đóng này là quá cao so với số tiền công ty thực đóng cho đơn vị bảo hiểm. Tính theo giá thị trường 1,7 tấn cà phê có giá khoảng 43 triệu đồng, cộng với khoản nộp bằng tiền, giá trị công ty thu của mỗi người trên dưới 50 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tính ở bậc lương cao nhất của công nhân bậc 6, mức đóng thực tế cho cơ quan bảo hiểm chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm.
Bà T., trú xã Ya Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai), cho hay hai vợ chồng nhận giao khoán 2ha cà phê từ Công ty cà phê Ia Sao 1. Với mức lương công nhân bậc 5 và bậc 6, trước đây vợ chồng bà T. đóng bảo hiểm khoảng 25 - 28 triệu đồng/người. Nay công ty vừa thu cà phê, vừa thu tiền tính ra giá trị thu vượt mức đóng bảo hiểm.
Trong khi đó, ông D. (công nhân) nói nhận khoán 1ha hơn 10 năm nay, các năm trước đóng bảo hiểm 15 - 18 triệu đồng/năm. Bây giờ công ty yêu cầu đóng 1,7 tấn cà phê và 5 triệu đồng, tính ra số thu đã hơn gấp đôi các năm trước. Công nhân cho hay nếu chăm sóc tốt, được mùa, mỗi vụ thu chừng 14 - 15 tấn/ha.
Sau khi trừ phân thuốc, tưới nước, công chăm sóc và đóng cho công ty, bà con chẳng còn lại gì. Dù rất bức xúc, nhiều người không dám phản ứng vì sợ bị làm khó, không được giao khoán các năm sau, mất việc làm.
Nộp bảo hiểm còn dư nhập vào doanh thu
Một lãnh đạo Công ty cà phê 706 cũng nói phương án thu đã được cấp trên phê duyệt. Khi xây dựng phương án đã cho người lao động học tập và thống nhất 100%.
Ông Nguyễn Văn Tráng, phó phòng nông nghiệp Công ty cà phê Ia Sao 1, thừa nhận có việc thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê. Theo ông Tráng, công ty có vài trăm công nhân được giao khoán vườn cà phê hằng năm. Việc thay đổi phương án thu bảo hiểm đã trao đổi với người lao động, được Tổng công ty Cà phê Việt Nam chấp thuận trước khi áp dụng.
Ông Tráng thông tin lý do thay đổi phương án là do trước đây nhiều hộ nhận khoán không đóng tiền bảo hiểm dẫn tới nợ đọng kéo dài không thu hồi được. Công ty này cho hay việc quy sản lượng đóng bảo hiểm được tính trên giá thành sản xuất khoảng 10.000 đồng/kg (nhưng thực tế giá bán thị trường khoảng 25.000 đồng - PV).
Sau khi đóng bảo hiểm, số tiền chênh lệch còn lại được nhập vào doanh thu của doanh nghiệp. Theo ông Tráng, khi tính phương án thu, công ty dựa trên giá thành lúc đó. Giá thị trường dao động tùy từng thời điểm không dự đoán được. Trong trường hợp giá thị trường thấp hơn giá thành, công ty sẽ bù vào để đóng bảo hiểm cho công nhân.
Cần hài hòa, đảm bảo lợi ích đôi bên Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, mức thu bảo hiểm xã hội của hai doanh nghiệp này được căn cứ trên bậc lương công nhân. Tại Công ty cà phê Ia Sao 1, mức thu bình quân trên mỗi lao động trong năm 2023 là khoảng 23,8 triệu đồng. Còn với Công ty cà phê 706, năm 2024, mức thu cho bậc lương thấp nhất là khoảng 17 triệu đồng/người, bậc cao nhất khoảng 30 triệu đồng/người. Cơ quan bảo hiểm thu bằng tiền, không thu bằng cà phê. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho hay cơ quan này thực hiện thu theo đúng quy định của Nhà nước. Còn phương án thu giữa doanh nghiệp và người lao động là thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp này phương án thu cần hài hòa, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. |
Tác giả: Tấn Lực
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ