Hội khuyến học thôn Phú Mẫn được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao cờ đơn vị xuất sắc năm 2014. ảnh: T.G |
Năm nào cũng có HSG cấp Quốc gia
Trong khi nhiều vùng quê chuyển mình từ làng lên phố, không ít gia đình phải lâm vào cảnh bi đát vì con trẻ học đòi, hư hỏng thì làng Phú Mẫn, thị trấn Chờ như một ngoại lệ đặc biệt. Tất cả con trẻ của làng đều nghiện... đọc sách từ tủ sách khuyến học ở Nhà văn hoá thôn và phần lớn đều thành đạt nhờ con đường học vấn. Bà Lê Thị Ký, Chủ nhiệm thư viện, Hội trưởng Hội khuyến học thôn Phù Mẫn cho biết, phong trào toàn dân học tập ở địa phương đã có từ lâu đời và đã trở thành truyền thống của mỗi nếp nhà, dòng họ.
Góp phần hình thành, nuôi dưỡng tinh thần ham học chính là nhờ Tủ sách khuyến học. Có nguồn gốc từ hàng chục năm trước, Tủ sách khuyến học và Hợp tác xã Măng non là tiền đề cho bao người con Phú Mẫn trưởng thành, có học vấn, học hàm, học vị cao, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của quê hương.
Ông Nguyễn Hữu Điện, thủ thư cao tuổi nhất của Tủ sách khuyến học cho biết, sách và thói quen đọc sách đã tạo nên phong trào học tập từ nhiều đời nay ở địa phương này. Cũng nhờ tinh thần hiếu học đó mà gia đình ông đã đóng góp cho làng 3 tiến sỹ gồm hai người con và một người cháu nội. Cung cấp các con số đáng ghi nhận về thành quả học tập tại thôn Phú Mẫn, Trưởng thôn Nguyễn Hanh Huấn cho biết, tỷ lệ các em đỗ đại học trên tổng số đi thi hàng năm của thôn luôn đạt mức cao.
Toàn thôn có 4.000 dân và đến nay đã có trên 110 Tiến sỹ, Giáo sư, Phó Giáo sư và Thạc sỹ. Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, năm nào toàn thôn cũng có trên 30 học sinh đỗ vào đại học, năm cao nhất là 40 em. Gần như năm nào thôn cũng có học sinh đạt giải cấp quốc gia còn học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, trường tổng cộng cũng phải đến con số hàng trăm.
Nhịn ăn sáng mua sách, “ẵm” học bổng Tiến sỹ của Pháp
Mỗi ngày có từ 40-100 lượt học sinh, người dân đến thư viện để mượn, đọc sách. |
Đó là câu chuyện của tân sinh viên Nguyễn Duy Nghĩa, một người con sinh ra từ làng Phú Mẫn. Nghĩa đã nhịn ăn sáng, tích luỹ tiền để mua sách học và tặng cho thư viện của thôn. Câu chuyện của Nghĩa được người làng nhắc đến như một minh chứng điển hình cho tinh thần hiếu học và yêu sách đến mãnh liệt của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Dòng, một trong 3 thủ thư của Thư viện khuyến học Phú Mẫn vui mừng cho biết, cậu bé Nghĩa nhịn ăn sáng lấy tiền mua sách tặng thư viện năm nào đã trở thành tân sinh viên trong kỳ thi đại học năm nay. Cũng lớn lên trong môi trường học tập đó, Tiến sỹ Nguyễn Việt Huy, Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, để có được thành công trên con đường học vấn và nghiên cứu khoa học như ngày hôm nay một phần nhờ tinh thần học tập được nuôi dưỡng, phát triển trong mỗi nếp nhà Phú Mẫn quê anh.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt Huy, anh là một trong những người được nhận học bổng từ nước Pháp và hoàn thành luận án Tiến sỹ từ quốc gia này. Năm 2014, anh đã quyết định về nước để tiếp tục thổi hồn vào tinh thần hiếu học cho các lớp sinh viên nước nhà. Anh tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Kiến trúc của Đại học Xây dựng.
Anh nói, nếu không có tình yêu quá lớn đối với quê hương và muốn góp sức mình vào sự nghiệp trồng người, nhân lên tình yêu hiếu học cho lớp trẻ thì có lẽ anh đã không chọn con đường về nước để làm việc. Về tủ sách khuyến học quê nhà, anh Huy nhận định đấy là “sân chơi” bổ ích cần được nhân rộng trên toàn quốc. Sự hình thành Tủ sách khuyến học quê nhà, cũng là minh chứng cho tinh thần hiếu học của bao lớp người dân quê anh.
Thủ thư tình nguyện không nhận lương
Bằng sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đến nay, tủ sách thôn Phú Mẫn đã có trên 6.000 đầu sách, báo. Tủ sách được chia làm nhiều nhóm gồm sách về Bác Hồ, sách thiếu nhi, sách khoa học, sách văn học, nghệ thuật, sách sức khoẻ... đã giúp người dân trong thôn có thêm kênh thông tin để tiếp nhận, bồi bổ kiến thức, nâng cao trình độ học vấn. Đối tượng đọc sách không chỉ có các em thanh, thiếu niên mà còn có cả các độc giả lớn tuổi là nông dân, giáo viên, cán bộ về hưu...
Nhóm sách khoa học kỹ thuật đã dần trở thành nguồn tài liệu quý cho không ít nông dân trong làng tiếp cận những tri thức mới về canh tác để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND thị trấn Chờ, huyện Yên Phong cho biết, tủ sách thôn Phú Mẫn hình thành và hoạt động hiệu quả phải kể đến công sức của các thủ thư “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nếu không có đội ngũ này thì tủ sách không thể tồn tại và phát triển được như ngày hôm nay.
Bà Lê Thị Ký, Chủ nhiệm thư viện thôn cho biết, để thư viện hoạt động hiệu quả, thu hút được con em đến đọc sách thì sự chuyển đổi từ thư viện độc lập sang thư viện trực thuộc Hội khuyến học địa phương là sáng kiến đáng ghi nhận. Sau khi đưa thư viện vào Hội, hoạt động Hội gắn liền với hoạt động của thư viện thì các điều kiện thuận lợi được nhân lên, từ nguồn lực con người đến kinh phí để đầu tư sách báo, cơ sở vật chất. Các thủ thư như ông Nguyễn Văn Viên, bà Lê Thị Ký, ông Nguyễn Hữu Điện, bà Nguyễn Thị Dòng gắn bó với thư viện mỗi ngày với tinh thần thiện nguyện để nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của địa phương cho lớp trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Liễu, năm nay 80 tuổi, một cán bộ về hưu cho biết, Phú Mẫn là địa phương có nhiều điểm nhấn trong học tập, lao động và sản xuất. Đây chính là địa phương có Hợp tác xã Măng non được Bác Hồ gửi thư khen ngợi vào ngày 19/5/1969. Bức thư có tựa đề “Gửi các cháu thiếu niên Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn...”, trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt, vừa tham gia sản xuất tốt... Bác mong các cháu thiếu niên ở Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn luôn cố gắng hơn nữa, học tập những gương của những thiếu niên anh hùng để ngày càng tiến bộ...”. |
Tác giả: M.Anh – T. Hường
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội