Khi chúng tôi tới thăm, anh Sỹ đang miệt mài trong xưởng cơ khí của mình để kịp giao những đơn hàng đầu tiên cho khách đặt mua. “Sau khi chiếc máy cày do tôi chế tạo chạy thử thành công trên cánh đồng làng, rất nhiều người đã đến đặt mua. Tôi chỉ nhận 6 đơn hàng vì vụ mùa mới đã cận kề”, anh Sỹ nói.
Theo anh Sỹ, do hoàn cảnh khó khăn, học đến lớp 9 anh phải nghỉ học, xin vào làm thuê tại một xưởng cơ khí ở địa phương. Hơn 10 năm trước, anh bàn với gia đình vay vốn lập một xưởng sửa chữa máy móc nông nghiệp khi tay nghề đã vững. Công việc này giúp anh có thêm điều kiện tìm hiểu về cấu tạo các bộ phận, cũng như những ưu nhược điểm trên từng loại máy cày trong quá trình sửa chữa máy cho người dân.
Chứng kiến cảnh bà con nông dân vất vả dắt trâu đi cày, việc đưa các loại máy móc hiện đại vào phục vụ nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do kinh phí quá lớn, anh đã ấp ủ kế hoạch chế tạo một chiếc máy cày vừa đơn giản, dễ sửa chữa nhưng đạt công suất cao, phù hợp với bà con làm nông tại địa phương.
“Gần đây, người dân mang máy cày tới sửa chữa nhiều, một số bộ phận phải đặt hàng ở Hà Nội, TP.HCM, thậm chí phải mua ở nước ngoài với giá thành cao lại mất thời gian. Vừa sửa chữa, tôi vừa nghiên cứu, tìm hiểu về từng loại máy rồi quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình”, anh Sỹ nói.
Sau 3 tháng mày mò chế tạo, chiếc máy cày tự chế chạy bằng động cơ diesel với công suất 28 mã lực đã chính thức xuất xưởng. "Kỹ sư chân đất" này sau đó đem chiếc máy ra cánh đồng trước nhà cày thử trước sự háo hức của hàng trăm người. Chiếc máy không những hoạt động tốt mà còn tiết kiệm nhiên liệu tối đa.
Mỗi sào đất (500 m2) chỉ cày bừa trong 15 - 20 phút, tiêu tốn khoảng 0,8 - 0,9/lít dầu nhưng vẫn cho đất đẹp và mịn, độ sâu vừa phải. Ngoài ra, chiếc máy còn dễ vận hành, di chuyển được ở mọi địa hình mà không phải tháo lắp phức tạp khiến nhiều người tấm tắc khen ngợi.
Máy cày “4 trong 1”
Để giảm tối đa giá thành sản xuất, anh Sỹ tận dụng nhiều bộ phận cũ từ xe ô tô, xe lam... lắp ráp vào chiếc máy cày của mình. Máy được chạy bằng động cơ diesel với 28 mã lực, hộp số chế từ máy gặt liên hợp, khung sườn được hàn nối bằng sắt phế liệu, ca bin có lắp ghế ngồi, máy có bộ phận tăng tốc và giảm tốc...
Với giá thành sản xuất 60 triệu đồng/chiếc nhưng anh Sỹ khẳng định máy cày của mình không thua kém máy nhập ngoại có giá từ 360 - 560 triệu đồng/chiếc. “Nếu có cuộc thi nào đó, tôi vẫn muốn thử nghiệm để kiểm chứng rằng chiếc máy do tôi chế tạo ra hoạt động “ngon” hơn máy của các hãng lớn trong nước và máy nhập từ nước ngoài về”, anh Sỹ nói.
Anh Phạm Bá Vinh (ngụ tại xã Hưng Thông) cho biết, sau khi xem và chạy thử chiếc máy cày do anh Sỹ chế tạo, anh đã quyết định đặt mua một chiếc để phục vụ cho mùa vụ sắp tới. Theo anh Vinh, không những tiết kiệm nhiên liệu, chiếc máy này còn dễ vận hành, chi phí cũng vừa phải. Với công suất 15 - 20 phút/sào, anh Vinh tính toán có thể vừa làm ruộng nhà và cày, bừa thuê cho bà con để thu hồi lại vốn sau 1 năm.
Nhận được nhiều lời khen ngợi và đơn đặt hàng nhưng anh Sỹ vẫn luôn trăn trở: “Nhiều người đầu tư vài chục triệu đồng mua chiếc máy về cày ruộng mấy ngày mùa xong lại để một chỗ thì quá lãng phí. Tôi quyết định dành thời gian nghiên cứu chế tạo, biến chiếc máy cày của mình thành một chiếc máy đa năng, ngoài cày bừa đồng ruộng còn có thể xúc đất, nâng hàng và trộn bê tông”.
“Việc chế tạo chiếc máy đang đúng tiến độ đề ra và chắc đây sẽ là chiếc máy rất hữu ích đối với công việc của bà con nông dân”, anh Sỹ nói.
Tác giả bài viết: Phan Ngọc
Nguồn tin: