Giáo dục

Kiến thức Lịch sử có bị lãng quên nếu chỉ học đến lớp 9?

Với việc môn Lịch sử trở thành tự chọn, khiến nhiều thầy cô lo ngại học sinh sẽ tiếp thu những nguồn kiến thức không chính thống.

Chỉ còn vài tháng nữa, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai đối với học sinh lớp 10.

Khác với giai đoạn “tích hợp” môn học, giáo dục cơ bản ở các lớp dưới, ở bậc học THPT các môn sẽ lại được “phân hóa”, để các em lựa chọn giúp từ đó gần với định hướng nghề nghiệp tương lai.

Trước mục tiêu như vậy, môn Lịch sử, Địa lý và các môn Khoa học tư nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) trở thành môn tự chọn.

Riêng với môn Lịch sử, về phía Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông đánh giá rằng, sau khi hoàn thành học tập ở bậc THCS học sinh đã có đầy đủ kiến thức cơ bản về môn lịch sử.

Chỉ học sử đến lớp 9, học sinh khó có nhận thức đầy đủ

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy ôn thi THPT môn Lịch sử, chia sẻ với Người Đưa tin thầy Lê Đình Hiển, giáo viên trường TH, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng quan điểm như vậy cũng không sai, nhưng chưa hẳn đúng.

“Với chương trình GDPT mới, học sinh sẽ được học môn Lịch sử từ lớp 1 đến lớp 9. Tuy nhiên, Lịch sử với tư cách là một bộ môn khoa học lại bị xếp vào môn tự chọn.

Thực tế, học sinh chỉ được tiếp cận một bộ phận của lịch sử, không có tính liên tục và tính hệ thống. Bộ môn này đã được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lý, và Tự nhiên và Xã hội ở bậc tiểu học”, thầy Hiển bày tỏ.

Với lứa tuổi từ 15 tuổi trở xuống chưa đủ điều kiện, tâm sinh lý, nhận thức đầy để tiếp thu môn lịch sử và hình thành nên nhân cách, sự phản biện, khả năng nhận thức lịch sử tốt nhất như khi ở cấp THPT.

Học sinh có thể sẽ không được tiếp cận với nhiều kiến thức nếu chỉ học môn Lịch sử đến lớp 9

Ở đây, Thầy Hiển lo ngại: “Lịch sử là môn khoa học xã hội, nếu không được học liên tục học sinh rất dễ quên, đây cũng là môn học khó, những kiến thức ở bậc cấp dưới mới chỉ chạm đến phần sơ khai của lịch sử, chưa được đi sâu.

Từ đó khó có thể hình thành nhận thức, các em chưa thể đánh giá, rút ra một kết luận lịch sử, bảo vệ quan điểm lịch sử và vẫn theo hướng thầy cô nói như thế nào các em sẽ hiểu như vậy”.

Có rất nhiều các môn như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Âm nhạc với mục đích là giáo dục lòng yêu nước, truyền thống và tự hào dân tộc. Tuy nhiên, môn lịch sử do đặc thù của môn học nó vẫn là vị trí trung tâm, ngoài ra môn học còn phục vụ nhiều mặt của đời sống thực tiễn khác cho các em sau này.

“Hiện nay, học sinh có thể học lịch sử ở nhiều kênh khác nhau, điều đó không sai, nhưng có hạn chế lớn là khi không được cung cấp một phương pháp khoa học, bài bản và định hướng về nhận thức, học sinh sẽ dễ bị sa đà, nhặt nhạnh các thông tin về lịch sử đã bị xuyên tạc, bóp méo”, thầy Hiển đánh giá.

Cái rất cần hiện này trong giáo dục lịch sử là thay đổi trong cách dạy học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp, làm mềm kỹ năng. Gắn dạy học trên lớp với học ngoài thực địa, đi tham quan, học tập trên hiện trường lịch sử, giảm tải việc thi cử và nâng cao các kỹ năng như phản biện, nêu vấn đề, tranh luận cho học sinh. Khi đó, môn Lịch sử sẽ không còn khô khan và việc học lịch sử sẽ vô cùng hứng thú và thu hút học sinh.

Lịch sử gián tiếp có vai trò không nhỏ trong các ngành nghề, công việc

Định hướng tốt, học sinh sẽ chọn môn Lịch sử

Ngoài mặt kiến thức, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ rất ít được lựa chọn môn Lịch sử để học, vì xưa nay đây vẫn là môn đánh giá là học sinh “quay lưng”, có điểm số thấp và ít có ngành nghề nào cần tới.

Trước vấn đề này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Lịch sử là môn học khó, nhưng phần có nhiều các em vẫn thích và đam mê. Nhiều năm qua, điểm môn học này đối với học sinh của trường vẫn ở mức khá.

Ngoài ra, mặc dù là môn tự chọn nhưng thực tế các em học sinh cũng phải cân nhắc kỹ. Để đảm bảo an toàn, lâu dài, và có nhiều phương án cho việc chọn trường sau này, môn Lịch sử vẫn sẽ là lựa chọn của nhiều em”.

Ở đây, cô Quỳnh nhấn mạnh vai trò của nhà trường, phụ huynh phải là người định hướng cho quyết định của các em. Đây cũng là giai đoạn các trường trên cả nước đang xây dựng các phương án cho các tổ hợp môn.

“Học sinh có thể lựa chọn ghép các tổ hợp, thay vì chỉ cố định một tổ hợp ngay từ đầu. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm học các trường cần phải có những buổi trao đổi, hướng dẫn với phụ huynh và học sinh.

Thực tế, nhiều em có khả năng với các môn Toán, Văn, Anh, nhưng vẫn có thể chọn cả Vật Lý, Lịch sử để trở thành những tổ hợp môn, thêm nhiều cơ hội cho sau này. Các trường đại học hiện nay cũng linh hoạt nhiều hình thức thi, phương thức xét tuyển không còn bó hẹp vào các khối, các ban như trước kia”, cô Quỳnh cho biết.

Khi tổ chức tư vấn lựa chọn tổ hợp tốt, sẽ hạn chế phần nào được lo ngại môn Lịch sử không được đông đảo các em theo học. Vì vậy, nhà trường cần phải thật kỹ lưỡng triển khai các tổ hợp phù hợp với điều kiện của nhà trường cũng như nguyện vọng của các em.

Ngày 19/4, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023; trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10.

Theo đó, các trường trung học phổ thông phối hợp với GD&ĐT tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 nếu các em được vào học lớp 10. Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ giúp học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP