Du lịch

"Khu rừng đá" thu hút khách du lịch ở Trung Quốc

Rừng Shilin đã tồn tại ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hơn 270 triệu năm. Đó là thay vì được tạo bởi cây cối thì “rừng đá” này được tạo thành từ những khối đá cao chót vót giống như cột nhà.

Rừng đá Shilin cách Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, khoảng 120 km. Ban đầu nó là đáy của một vùng biển lớn. Nước dần cạn đi, để lộ ra những núi đá vôi khổng lồ. Sự xói mòn của gió và nước tạo nên những hình thù ấn tượng cho các khối đá.

Khu rừng đá có niên đại khoảng 270 triệu năm. Các khối thạch nhũ trải dài trên diện tích khoảng 400 km2, tạo ra mê cung khổng lồ.

Kết cấu của những khối thạch nhũ có thể khiến du khách thót tim trên đường khám phá. Càng đi sâu vào rừng, du khách sẽ càng choáng ngợp trước những kiệt tác đá tự nhiên, với kết cấu phức tạp của các khối thạch nhũ, hang động, sông hồ và cảnh quan nơi đây.

Shillin chia thành nhiều khu rừng nhỏ hơn với các hang động, thác nước, ao, hồ... và đặc biệt có một con sông ngầm chảy sâu bên dưới những ngọn núi khổng lồ. Hai trong số những khu rừng đá nhỏ, rừng đá Naigu và làng Suogeyi, là một phần của Karst Nam Trung Quốc - khu vực đa dạng sinh học nổi tiếng về karst đá vôi đã trở thành Di sản Thế giới UNESCO vào năm 2007.

Rừng Đá Lớn, Rừng Đá Nhỏ và Rừng Đá Naigu có vô vàn khối đá với hình dạng khác nhau, từ hình thù động vật, thực vật đến hình người. Một số khối đá rất mịn với hình thù tinh tế, một số gồ ghề, mỗi khối đều độc nhất vô nhị.

Một điểm thu hút nổi tiếng là Đá Ashima. Truyền thuyết kể rằng, Ashima, một thiếu nữ xinh đẹp dân tộc Sani, bị con trai địa chủ Azhi bắt cóc và ép kết hôn. Ahei, người yêu của Ashima, đến cứu cô bằng cung tên thần. Ahei thi hát với Azhi trong 3 ngày 3 đêm và cuối cùng giành chiến thắng. Nhưng trên đường về nhà, Ashima gặp một trận lũ và hoá đá. Tảng đá được cho là giống thiếu nữ trong trang phục truyền thống, giỏ trên lưng và mũ đội đầu của người Sani sau đó được đặt tên là Đá Ashima.

Hằng năm vào ngày 24/6, người Sani tổ chức Lễ hội đốt đuốc hằng năm trong khu rừng để tưởng nhớ Ashima trong truyền thuyết. Lễ hội có các màn đấu vật, đấu bò và các màn múa truyền thống.

Tác giả: Trúc Quỳnh

Nguồn tin: Báo Petrotimes

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP