Giáo dục

Không tổ chức bán trú gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh

Phụ huynh Vũ Khắc Ngọc đánh giá việc không tổ chức bán trú và chỉ học một buổi tại trường, một buổi trực tuyến gây khó khăn cho phụ huynh và khiến trẻ vất vả.

Theo phương án dự kiến của thành phố, con của chị Thu Thủy (Đống Đa, Hà Nội) sẽ đến trường trở lại từ ngày 21/2 do học tại trường thuộc quận nội thành.

Dù chưa có phương án chính thức nhưng việc thành phố cho phép trường ngoại thành đón trẻ tiểu học đến lớp song chỉ học một buổi và không tổ chức bán trú khiến nữ phụ huynh lo lắng.

“Con học một buổi đồng nghĩa với việc vợ chồng tôi phải có một người xin nghỉ buổi chiều để đón con về, lo cơm nước hoặc thuê người đón và trông buổi chiều”, chị Thủy cho hay.

Học sinh tiểu học ở 18 huyện, thị xã đến trường từ 10/2. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Đau đầu khi trường mở cửa nửa vời

Chị Thu Thủy chia sẻ được đến trường là niềm mong mỏi của chính các con và phụ huynh sau thời gian học ở nhà quá lâu. Gia đình chị hoàn toàn ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại.

Tuy nhiên, phụ huynh này cho biết nếu chỉ học trực tiếp một buổi, không bán trú, không chỉ nhà chị mà nhiều gia đình chưa sắp xếp được phương án đưa đón, chăm sóc con sau đó.

Gia đình chị có 3 người. Bình thường, chồng chị làm việc ở Hà Đông nên tiện đường đưa đón con vào sáng, chiều. Khoảng cách từ nhà đến trường lên đến 4,5 km. Nếu con học một buổi, gia đình rất khó sắp xếp vì nhà xa trường, trường rất xa chỗ làm của bố mẹ (chị Thủy làm việc ở Hoàng Mai).

Cùng rơi vào thế khó, gia đình anh Vũ Khắc Ngọc sống tại quận Hai Bà Trưng nhưng con lại học trường ở Đông Anh. Không chỉ con anh, nhiều học sinh khác cũng sống xa trường.

Anh tính nếu con di chuyển bằng xe tuyến, 6h30, con đã phải lên xe, 8h đến trường, 11h đi về, ăn cơm, lại vào học online lúc 13h. Như vậy, trẻ rất mệt mỏi.

Bên cạnh đó, trước đây, con đi học sớm rồi ăn sáng tại trường. Nay nếu không tổ chức bán trú, trường có tiếp tục lo bữa sáng không cũng là vấn đề. Do đó, anh Ngọc đánh giá việc không tổ chức bán trú và chỉ học một buổi tại trường, một buổi trực tuyến, gây khó khăn cho phụ huynh và khiến trẻ vất vả.

“Học nửa buổi, không bán trú gây phiền toái rất lớn cho các gia đình. Trường cũng loay hoay. Lẽ ra, 10/2, các con trở lại lớp. Tuy nhiên, vì nhiều phụ huynh ở xa chưa sắp xếp được, trường đang lùi ngày mở cửa sang tuần sau nhưng chưa có gì chắc chắn”, anh Ngọc nói.

Cùng quan điểm, chị Giang ở quận Long Biên cho rằng quy định như hiện tại đang gây khó khăn cho phụ huynh.

“Nếu con được đến trường từ cuối tháng 2 như phương án dự kiến, gia đình sẽ phải lo đưa đón con mỗi sáng chỉ để đến lớp học 2 tiếng rồi lại về nhà lo ăn uống. Buổi chiều, vợ chồng lại phải thúc giục con học online, làm bài tập. Như vậy còn vất vả hơn khi con học online”, chị Giang phàn nàn.

Dù chưa có thông báo chính thức, chị đã đau đầu khi phải sắp xếp người đưa đón vì việc xin nghỉ làm sớm mỗi ngày không dễ dàng. Trong trường hợp con học một buổi, không bán trú, gia đình rơi vào thế khó khi một trong 2 người phải nghỉ hẳn ở nhà chăm sóc con hoặc thuê người giúp việc. Thuê người cũng không dễ.

Trong khi đó, dù có ông bà hỗ trợ, chị Thục Quyên vẫn cảm thấy cách làm hiện tại của Hà Nội gây bất tiện. Gia đình sống ở ngoại thành nhưng 2 con học ở nội thành. Buổi sáng, con phải đi xe buýt từ sớm, ảnh hưởng đến việc ăn uống. Thực tế, con chỉ có thể uống sữa cho kịp giờ đi học.

Buổi trưa, vì không thể ở lại trường, con chị sang nhà ông bà ở quận Tây Hồ để có thể ăn trưa, vào lớp online buổi chiều đúng giờ.

Nhiều phụ huynh mong đợi thành phố cho phép các trường tổ chức bán trú. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.

Mong các trường tổ chức bán trú

Dù gia đình thuận lợi hơn khi công việc của vợ chồng linh hoạt về mặt thời gian, lại có thêm ông bà hỗ trợ, chị Thục Quyên vẫn hy vọng các con được học 2 buổi mỗi ngày và trường tổ chức bán trú.

Theo chị, con học tập trung, di chuyển bằng xe buýt đã tiếp xúc với nhiều người. Việc học một buổi và không ăn uống tại trường chỉ khiến các con vất vả chứ không tác động nhiều đều nguy cơ lây nhiễm.

Tương tự, anh Vũ Khắc Ngọc cho rằng một khi học sinh đã đến trường, tiếp xúc với nhau, học một buổi hay 2 buổi không có sự khác biệt nhiều về nguy cơ mắc Covid-19.

Mở cửa trường học trở lại là một trong những điều kiện để xã hội trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, người lao động không thể nào đảm bảo năng suất khi còn phải phân tâm đưa đón, lo ăn uống cho con. Vì thế, anh đề xuất thành phố mạnh dạn mở cửa hoàn toàn.

Anh Ngọc nói thêm hiện có nhiều hình mẫu về việc công ty, nhà máy sản xuất tổ chức bếp ăn tập thể. Các trường cũng có thể học tập việc chia ca ăn, dựng tấm chắn ở bàn hoặc sắp xếp bàn ghế để trẻ ngồi quay lưng với nhau.

“Chúng ta đã mở cửa quán ăn, nhà hàng mà lại cấm trẻ ăn trưa ở trường thì rất buồn cười, không có căn cứ khoa học nào. Thành phố nên cho phép các trường tự xây dựng phương án, tùy tình hình thực tiễn để tổ chức cho hợp lý, giao lại trách nhiệm cho nhà trường chứ không cấm hết”, anh Khắc Ngọc nêu quan điểm.

Chị Thu Thủy cũng cho rằng nên mở bán trú dù chị vẫn lo lắng về nguy cơ lây nhiễm khi học sinh tiểu học chưa được tiêm. Tuy nhiên, từ thực tế con của bạn bè mắc Covid-19 với triệu chứng rất nhẹ, hồi phục nhanh, chị vẫn thiên về phương án mở cửa trường học cả ngày, tổ chức bán trú như trước đây.

Không chỉ việc cho trẻ học 2 buổi/ngày, ăn bán trú ở trường, các phụ huynh đồng tình rằng cần mở cửa trường học hoàn toàn, tức cho cả trẻ mầm non đến trường.

Chị Giang đưa ra 2 phương án, cho trẻ tiếp tục học online, tránh kiểu “nửa nạc nửa mỡ” gây vất vả cho các con và gia đình, hoặc cho học sinh đi học hết, cố gắng tổ chức bán trú cho trẻ mầm non và tiểu học.

“Việc tổ chức cần khép kín, phân khu. Trong trường hợp có F0, chúng ta chỉ cần tách riêng khu đó”, chị đề xuất.

Anh Vũ Khắc Ngọc cũng nhận định cần mở cửa trường mầm non. Ngoài một con học lớp 4, sắp được đến trường, anh còn một bé mới 5 tuổi. Ba năm qua, bé ở nhà hơn một năm nên gặp khó khăn trong quản lý cảm xúc. Anh cũng lo con sẽ bỡ ngỡ khi lên lớp 1.

Thêm vào đó, anh cho rằng việc mở cửa trường học sẽ giúp các gia đình giải quyết bài toán khó khi con lớn đi học, con nhỏ ở nhà, không có ai trông.

Liên quan đến cho học sinh trở lại trường, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gửi công điện tới giám đốc các sở GD&ĐT, lưu ý việc tổ chức dạy học trực tiếp cần thuận lợi cho phụ huynh đưa đón, chăm sóc con.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại cần đặt ở cương vị phụ huynh, nhất là các gia đình có con nhỏ bậc tiểu học, mầm non. Việc học sinh chỉ học nửa ngày, bố mẹ phải đưa đón sẽ ảnh hưởng tới giờ làm.

Dẫn việc TP.HCM đã tổ chức cho học sinh bán trú, thứ trưởng cho hay trong ngày 9/2, bộ sẽ làm việc với thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Từ góc độ trường học, trao đổi với Zing, cô Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dục Tú (Đông Anh), cho biết vì tỷ lệ học sinh bán trú ở trường chỉ ở mức 30% nên trường đủ điều kiện tổ chức bán trú nếu thành phố cho phép.

Trong khi đó, trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) đang rà soát phụ huynh có gặp khó khăn khi đưa đón con không. Hiệu trưởng Đào Thị Mai cho hay trước mắt, trường đã sắp xếp giáo viên ở lại thêm sau buổi học để hỗ trợ trông trẻ nếu cha mẹ chưa thể đến đón kịp thời. Gia đình đón con muộn chỉ cần báo trước với giáo viên chủ nhiệm.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP