Quy định về dạy thêm, học thêm, không được dạy thêm bừa bãi
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 được ban hành nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, không cấm giáo viên dạy thêm, nhưng phải tuân theo quy định. Nếu giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Thực tế, Thông tư 29 được ban hành nhằm khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm không đúng quy định trong thời gian qua. Nhiều vấn đề "nóng" trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm "bất thường" của giáo viên, khiến phụ huynh và học sinh, ngay cả học sinh tiểu học phải vất vả, lo lắng.
Thông tư ra đời cũng hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận. Hạn chế nhiều chương trình dạy thêm được thiết kế không phù hợp và cần thiết, thậm chí, còn làm ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng của các nội dung chính khoá.
Như đã nói, Thông tư 29 không cấm việc dạy thêm, tuy nhiên việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, chương trình môn học của giáo viên.
Đồng thời, theo quy định, việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu.
Theo đó, lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông);
![]() |
|
Giáo viên/Nhà trường cũng không thực hiện xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. |
Theo Thông tư 29, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, nếu vi phạm các điều quy định trên đây, giáo viên sẽ phải chịu các hình thức xử lý vi phạm theo quy định.
Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Tổ chức dạy thêm trái quy định, giáo viên cần biết mức xử phạt ra sao?
Theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
![]() |
Nghị định 138/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. |
Điều 7 Nghị định 138/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm được quy định cụ thể như sau:
"Điều 7. Vi phạm quy định về dạy thêm
1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;
c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;
d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này".
Như vậy, tùy mức độ, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt khác nhau. Một số hình phạt bổ sung ở mức cao là giáo viên sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm; Đình chỉ hoạt động dạy thêm 12-24 tháng...
Người vi phạm quy định dạy thêm cũng bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất; trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại.
Với các giáo viên đang là viên chức - những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các trường công lập, còn bị xử lý theo Điều 15, 16 Nghị định 112/2020 của Chính phủ về các hình thức xử lý kỷ luật với viên chức. Trong đó, mức xử phạt cao nhất có thể là cho thôi việc, cách chức.
Cụ thể, viên chức không giữ chức vụ quản lý sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Viên chức đang đảm nhận chức vụ quản lý, ngoài các hình thức trên còn có thể bị cách chức.
Tác giả: Quang Minh
Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn