Trong tỉnh

Khi người Thái, người Khơ Mú từ bỏ canh tác 'chọc lỗ tra hạt'

Từ tập tục sản xuất theo phương thức chọc lỗ tra hạt, khi chuyển từ huyện Tương Dương về huyện Thanh Chương (Nghệ An) tái định cư, hàng nghìn hộ dân người Thái, người Khơ Mú gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân dần thích nghi và hiện tại đã có bước chuyển mình kỳ diệu.

Chè là cây trồng chủ lực ở huyện Thanh Chương. Cuộc sống của 2 xã tái định cư cũng đã đổi thay nhờ cây chè

Huyện Thanh Chương có 2 xã dân tộc thiểu số (DTTS) đó là Thanh Sơn và Ngọc Lâm với tổng diện tích tự nhiên 16 km2, có 13 thôn, bản, 2.776 hộ và 11.990 khẩu, chủ yếu dân tộc Thái và dân tộc Khơ Mú. Trải qua 18 năm sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 2 xã đã có những bước chuyển mình rất đáng ghi nhận về đời sống vật chất.

Trong 5 năm qua, tổng kinh phí đã cấp để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc ở 2 xã là 24,52 tỷ đồng. Thực hiện các chính sách dân tộc khác 4,251 tỷ đồng. Nhờ có chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Cùng với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng DTTS và miền núi, huyện Thanh Chương còn thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các hoạt động an sinh xã hội khác ở 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương kiểm tra việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là DTTS ở xã Thanh Sơn

Trong 5 năm qua đã đào tạo nghề cho 895 lao động, trong đó có trên 146 lao động tham gia xuất khẩu tại nước ngoài và hàng trăm lao động có việc làm tại chỗ; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 54%, năm 2024 là 64%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2019 là 2,4% năm 2024 tăng lên là 3,4%.

Chăm lo thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội ở như tổ chức hỗ trợ cấp phát 364.514 tấn gạo cho 5.591 lượt hộ nghèo; cấp phát 34 con bò sinh sản từ chương trình đa sinh kế và 178 con từ chương trình phát triển nông nghiệp… nên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44% năm 2019 xuống còn 30.9% năm 2023.

Chị Lương Cẩm Uyên, bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện khó khăn được nhà nước hỗ trợ xây dựng cho nhà tình nghĩa chúng tôi vui lắm. Vợ chồng sẽ cố gắng vươn lên để phát triển kinh tế xây dựng gia đình hạnh phúc".

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, cán bộ và người dân 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Số tiêu chí NTM đạt hàng năm đều tăng lên. Từ năm 2019 mỗi xã chỉ đạt 8 hoặc 9 tiêu chí xây dựng NTM, đến nay đã đạt 11 hoặc 12 tiêu chí tăng 2-3 tiêu chí. Xã Thanh Sơn đã đạt được 12/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Xã Ngọc Lâm đã đạt 9/19 tiêu chí.

Ông Nguyễn Hải Dương - Bí thư Huyện ủy huyện Thanh Chương thăm hỏi đồng bào DTTS ở xã Thanh Sơn

Để tạo điều kiện cho các xã tái định cư về đích NTM, trong quá trình thực hiện, ngoài làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện còn lồng ghép các nguồn vốn, dự án để hỗ trợ 2 xã xây dựng cơ sở hạ tầng để sớm về đích NTM. Trong thời gian qua, đã hỗ trợ xây dựng được 1 nhà văn hóa tại bản Tân Sáng, xã Ngọc Lâm.

Việc xây dựng làng NTM trong vùng đồng đồng bào DTTS đã phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tạo ra làng NTM có kinh tế phát triển; đời sống người dân sung túc; có kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội phù hợp; có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp; khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân được dùng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; an ninh trật tự được đảm bảo.

Về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng DTTS: Phát huy lợi thế vùng đồi núi, đồng bào đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, xây dựng NTM ở các địa phương.

Đồng chí Lê Đình Thanh (bìa trái) - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào DTTS

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Toàn xã có 357 ha lúa nước, gần 70 ha ngô. Chăn nuôi gia súc tiếp tục phát triển với 2.890 con trâu, bò; 5.246 con lợn, gần 2.800 con gia cầm; sản xuất nông nghiệp tại chỗ đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS.

Nhiều hộ đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại để nâng cao đời sống. Tiêu biểu có gia đình ông Lương Văn Phượng, Lương Văn Thái (bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm), gia đình ông Vi Văn Tuyên, Vi Thanh Nghệ (bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn)…

Từ các chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi và các hoạt động an sinh xã hội đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 10.4%. Trong đó tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 377 tỷ đồng tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 31, 5 triệu đồng tăng gần 02 lần so với năm 2019.

Bà Lô Thị Duyên ở xã Ngọc Lâm vui mừng cho biết: "Khi mới xuống ở Thanh Chương cuộc sống rất khó khăn vì không biết làm gì nhưng được sự quan tâm của các cấp các ngành đến nay chúng tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng chè, chăn nuôi và trồng keo. Nhờ vậy cuộc sống ngày càng ổn định. Mỗi năm cũng có thu nhập gần 100 triệu đồng.

Đảng ủy khối cơ quan tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa cho 2 hộ nghèo tại xã Ngọc Lâm

Các hoạt động văn hóa xã hội được duy trì và đẩy mạnh. Công tác giáo dục được quan tâm hàng đầu. Mạng lưới trường lớp học vùng DTTS được duy trì tốt. Tổng số học sinh theo học 4 cấp học hiện nay là 2.738 em. Chất lượng giáo dục có bước chuyển biến tích cực, thể hiện tỷ lệ học sinh đến trường, số lượng và chất lượng học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh của các năm học từ 2019 đến nay đều tăng; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%... Đặc biệt năm 2024, có 1 học sinh giỏi nổi trội là em Vi Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 12, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh. Sau khi sáp nhập thôn, bản trên địa bàn 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm có 616/1.428 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt (58%), 2/13 bản được công nhận bản văn hóa (đạt 29%). Trong những năm gần đây, UBND các xã đã huy động các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng các nhà văn hóa, thể thao khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Công tác lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được phát huy. Phong trào văn nghệ, TDTT truyền thống sôi nổi, rộng khắp ở các bản làng như khắp, lăm, khắc luống, ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy... đã được đồng bào dân tộc coi trọng, bảo tồn, lưu giữ và phát huy.

Cùng với cây keo, cây chè là cây chủ lực giúp cuộc sống của người dân vùng TĐC chuyển mình nhanh chóng

Đặc biệt là sinh hoạt văn nghệ quần chúng phát triển đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của vùng đồng bào DTTS. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm, đẩy mạnh. Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và phong trào "xanh - sạch - đẹp" trong khuôn viên trạm y tế, duy trì hoạt động của đường dây nóng tại các trạm y tế.

Ông Lô Huy Hùng- Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, khẳng định: "Đến thời điểm này cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay nõ nét. Kinh tế phát triển, nhà cửa ngày càng khang trang, đướng xá đi lại thuận lợi. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với đà này thời gian tới nếu được sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước cũng như các cấp các ngành thì chắc chắn sự chênh lệch giữa đồng bào DTTS với các địa phương khác trên địa bàn sẽ ngày càng được thu hẹp".

Tác giả: Lan Anh

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP