Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Trong ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 20/1/2017, viên sĩ quan mang theo vali hạt nhân sẽ xuất hiện cùng với Tổng thống Barack Obama, và sau lễ nhậm chức, viên sĩ quan sẽ bắt đầu luôn đi bên cạnh tổng thống mới.
Giống bất cứ người tiền nhiệm nào, cho dù ở Nhà Trắng, hay trên ô tô chuyên dụng, chuyên cơ Không lực Một hay thậm chí công du nước ngoài, ông Trump luôn có một sĩ quan đi cận kề mang theo chiếc vali hạt nhân.
Vali nhân hay còn gọi là Quả bóng hạt nhân (Nuclear Football) bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy sau khi sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Sau sự kiện này, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng, tổng thống Mỹ cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân. Qua các năm, chiếc vali đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm khổng lồ mà vị tổng thống của nước này lúc nào cũng cần mang bên mình.
Chiếc vali này đi kèm với mã kích hoạt hạt nhân để tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào.
Pete Metzger, sĩ quan đảm nhận nhiệm vụ giữ vali hạt nhân thời Tổng thống Ronald Reagan, cho biết: “Phải luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào cho bất cứ tình huống nào. Từ lúc cảnh báo đến lúc kích hoạt thời gian vô cùng ngắn ngủi”.
Chưa đầy 15 phút trong tình huống khẩn cấp
Một sĩ quan mang theo vali hạt nhân. (Ảnh: Boston Globe)
Trong trường hợp khẩn cấp, ông Trump hay bất cứ tổng thống nào của Mỹ chỉ có chưa đầy 15 phút từ lúc được thông báo tình hình cho đến lúc đưa ra quyết định có kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân hay không.
Trái với những gì nhiều người nghĩ, vali hạt nhân này không có bất cứ một nút bấm kích hoạt nào, mà chỉ có thiết bị và môt số tài liệu liên quan cho phép tổng thống kích hoạt mã hạt nhân.
Cụ thể, bên trong chiếc vali là một máy phát sóng vệ tinh và một số tài liệu, dựa trên cơ sở đó Tổng thống cần phải đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số này có một "cuốn sách đen" dày 30 trang ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân.
Trong vali còn có danh sách các hầm ngầm bí mật mà tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, kèm theo đó là chỉ dẫn liên lạc với Lầu Năm Góc và đề xuất về các bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, trong vali còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông đang ở đâu.
Trao mã hạt nhân cho ông Trump có đáng lo ngại?
Ngay cả trước khi ông Trump đắc cử tổng thống, nhiều người tỏ ra lo ngại mã hạt nhân rơi vào tay một người với tính khí thất thường như ông. Bản thân Tổng thống Obama và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Trong khi đó, đội ngũ phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Trump đến nay từ chối nêu rõ quan điểm về chính sách hạt nhân của Tổng thống đắc cử Trump.
Về phần mình, ông Trump từng có những phát ngôn gây tranh cãi về vấn đề hạt nhân như khuyến khích Hàn Quốc và Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân để đối đầu với Triều Tiên hay đề xuất tấn công Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, ông rút lại một phần những phát ngôn này.
Bình luận về việc liệu trao mã hạt nhân cho Tổng thống đắc cử Trump có đáng lo ngại hay không, Metzger nói, ít nhất theo kinh nghiệm của ông thì tất cả các tổng thống đều nghiêm túc với trọng trách giữ mã hạt nhân.
"Tổng thống được khuyến cáo kỹ lưỡng về vấn đề này, nếu tôi bước vào và nhìn vào mắt họ, thì tổng thống sẽ đoán được điều gì đang xảy ra. Tất nhiên tôi xuất hiện không phải để phục vụ bữa sáng”, sĩ quan Metzger nói.
Tác giả bài viết: Minh Phương
Nguồn tin: