Thế giới

Khi "chân dài" lái chiến cơ

Những rào cản khiến phái đẹp e ngại muốn "giấc mơ bay" đang dần dần biến mất, thay vào đó là những nhận định mang tính đột phá vừa được hãng Bloomberg đưa ra. Đó là trong vòng 2 thập kỷ tới, nữ phi công sẽ trở thành "nghề hot nhất" và các quốc gia đang chạy đua việc đào tạo các nữ phi công lái máy bay chiến đấu.

Lớp "Hoa hậu hàng không" đầu tiên của Nga

Trung tuần tháng 11, các nữ quân nhân Nga đã đổ xô về thành phố Saint Petersburg để tham gia cuộc thi "Miss Beauty and Honor of St.Peterburg" dành riêng cho các nữ quân nhân. Những cô gái xinh đẹp tham dự cuộc thi này hầu hết đều đang ở độ tuổi 17-25 và đang theo học tại các trường huấn luyện về quân sự.

Đặc biệt, dàn thí sinh thuộc trường hàng không Krasnodar đã gây ấn tượng mạnh ngay từ lần đầu ra mắt. Theo tin từ hãng Itar-Tass thì 15 học viên của lớp phi công nữ trong trường hàng không Krasnodar đều ưa nhìn và họ chính là lớp nữ phi công được đào tạo chính quy đầu tiên của quân đội Nga trong thời kỳ hiện đại.

Từ hồi tháng 6, trường hàng không Krasnodar đã tổ chức thi tuyển và nhận được hàng trăm đơn ứng cử của các cô gái đến từ mọi miền tổ quốc. Trải qua nhiều vòng thi gồm khám sức khỏe toàn diện, tâm lý, kết quả học tập thời trung học phổ thông..., 15 cô gái đã được chọn để huấn luyện trở thành phi công phục vụ trong quân đội.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: "Trước đây, Liên bang Xôviết có đến 15 trường đào tạo nữ phi công. Số lượng cao đó cũng do trong thời kỳ chiến tranh và Chiến tranh Lạnh sau đó. Nhưng đến thời kỳ mới, ngành hàng không quân sự Nga chỉ tiếp nhận phụ nữ cho các vị trí mặt đất như điều khiển không lưu, thông tin liên lạc. Phi công trực tiếp lái máy bay tiêm kích thì đây là lần đầu tiên. Chương trình đào tạo các nữ phi công chiến đấu tương lai lần này được bắt đầu từ 1-10 và tôi hy vọng rằng sau 5 năm, các cô gái sẽ làm rạng danh Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga bằng tài năng của mình".

"Quý bà MIG" Marina Popovich.

Theo tin từ hãng Sputnik, trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Nga có gần 600.000 nữ phi công trong đó có hơn 90.000 người được phong anh hùng. Thời kỳ đó, các nữ phi công Nga thường được mệnh danh là "Phù thủy đêm", trong đó có nữ phi công huyền thoại "Quý bà MIG" Marina Popovich (1937-2017) là nỗi khiếp sợ của quân Đức.

Tiếp thu những chương trình đào tạo nữ phi công có từ ngày đó, trong khóa đào tạo chính quy đầu tiên này, Trường hàng không Krasnodar đã xây dựng một khung chương trình khá nghiêm khắc.

Các học viên sẽ phải tập trung học lý thuyết trong 2 năm đầu và phần thực hành bay giả lập sẽ bắt đầu từ học kỳ 5. Đến hết năm 2020, các nữ học viên sẽ phải trải qua một bài kiểm tra xem đã sẵn sàng điều khiển một máy bay quân sự hay chưa. Nếu không đáp ứng được mong đợi của Bộ Quốc phòng, họ sẽ bị loại; còn nếu vượt qua, họ có cơ hội tham gia vào đội ngũ phi công của quân đội Nga.

Đại tá Viktor Svirida, Trưởng ban tổ chức cán bộ thuộc Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga nói: "Các nữ học viên sẽ được học cách điều khiển tất cả các thiết bị chủ chốt, kể cả hệ thống vũ khí của những loại máy bay chiến đấu hiện đại. Họ sẽ là những chiến binh thực thụ giống như các đồng nghiệp nam nếu máy bay của họ phải nhận lệnh tấn công tàu ngầm hoặc tàu chiến đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột. Họ cũng sẽ phải đối diện với mối nguy hiểm thực sự khi máy bay của họ đứng trước nguy cơ bị tên lửa đối phương tấn công".

Đội nữ phi công chiến đấu của Ấn Độ

Theo hãng Bloomberg, trên thực tế, trong 5 năm trở lại đây, các quốc gia bắt đầu chú ý hơn đến việc đào tạo nữ phi công với những chương trình được thay đổi phù hợp với tình hình thế giới. Mới đây nhất là vào hạ tuần tháng 11, lực lượng hải quân Ấn Độ đã tiếp nhận một đội phi công nữ đầu tiên vừa tốt nghiệp Học viện Hải quân Ấn Độ.

Các nữ phi công Ấn Độ.

Trong số 4 nữ phi công nói trên, chỉ có Shubhangi Swaroop là người Ấn Độ và thuộc biên chế lực lượng chiến đấu của hải quân Ấn Độ và sẽ tiếp tục được huấn luyện tại Học viện Không quân Dundigal, Hyderabad. Ba nữ phi công còn lại, trong đó có 2 người là học viên nước ngoài, đến từ Tanzania và Maldives thì được chuyển về làm việc tại Cục Kiểm định vũ khí hải quân (NAI).

Phó Đô đốc AK Chawla, Cục trưởng Cục Quân lực của Hải quân Ấn Độ cho biết, mục tiêu của lực lượng này là trong 5 năm tiếp theo, phải thành lập biệt đội nữ phi công chiến đấu gồm 40 người trong đó 30 nữ phi công sẽ được giao nhiệm vụ lái các máy bay Ilyushin Il-38 của Nga và Dornier Do-228 do Ấn Độ sản xuất theo cấp phép của chính quyền Moscow để truy tìm tàu chiến và tàu ngầm nước ngoài hoạt động trên Ấn Độ Dương.

Mỗi một lần xuất kích, các nữ phi công Ấn Độ phải bay ít nhất là 4 tiếng, theo dõi các radar rà quét biển và cảm biến từ trường trái đất phát hiện tàu ngầm, chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa AGM-84L Harpoon Block II tấn công từ khoảng cách hơn 250 km trên biển hoặc bằng thủy lôi hạng nhẹ Mk 54 (nếu cần).

3 nữ phi công của lực lượng không quân Ấn Độ (IAF) kia là Avani Chaturvedi, Bhawana Kanth và Mohana Singh. Trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi tháng 10, Tư lệnh không quân Birender Singh Dhanoa cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang cân nhắc để họ gia nhâp vào đội bay MiG-21 Bison. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ giúp trau dồi những kỹ năng của chính họ vì máy bay MiG-21 có nhiều tính năng điều khiển bằng tay hơn các dòng máy bay hiện đại khác".

Tờ The Hindu Times của Ấn Độ tiết lộ, 3 cô gái này đều là binh sĩ trong quân đội Ấn Độ và mới được chuyển sang thuộc IAF sau khi hoàn thành chương trình đào tạo vất vả cuối cùng kéo dài trong 3 tuần. Khi đó, họ được đào tạo lái máy bay phản lực huấn luyện tiên tiến Hawk hay được mệnh danh là "diều hâu" và chiếc MiG-21 Bison- một trong những máy bay chiến đấu mạnh mẽ nhất trong kho vũ khí Ấn Độ. Lực lượng không quân Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch tuyển mộ thêm bộ 3 cô gái kế tiếp trở thành phi công tập sự và hướng tới vị trí phi công lái máy bay chiến đấu.

Khắt khe nữ phi công Trung Quốc

Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc tuyển chọn và huấn luyện các nữ phi công quân sự bắt đầu được tiến hành vào năm 2005. Đến năm 2009, khoảng 200.000 ứng viên tại 12 tỉnh thành đã đến thủ đô Bắc Kinh để dự tuyển cho đội bay trình diễn. Chỉ có 35 cô gái may mắn được tuyển làm học viên phi công trong đợt đó và họ được xếp vào học tại Học viện Phi công Trung Quốc.

Các nữ phi công trong quân đội Trung Quốc.

5 năm sau, Trung Quốc đã lần đầu tiên "trình làng" biệt đội nữ phi công lái máy bay chiến đấu bằng cách bố trí một số thành viên trong đội phô diễn kỹ năng trong màn nhào lộn trên không trên chiếc máy bay J-10 tại triển lãm hàng không Chu Hải.

Khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiết lộ rằng, gần 1/2 học viên nữ của Học viện Phi công Trung Quốc khi tốt nghiệp đều là thành viên nhóm máy bay nhào lộn "ngày 1 tháng 8" của không quân Trung Quốc và họ đều có thể điều khiển máy bay chiến đấu tiên tiến trong lực lượng không quân Trung Quốc. Đội bay nhào lộn này được thành lập và đặt tên theo ngày thành lập Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Một số tờ báo Trung Quốc tiết lộ, để có được thành công tại triển lãm hàng không Chu Hải, các thành viên của đội bay cũng như học viên nữ của Học viện Phi công đã phải trải qua một quá trình khổ luyện. Theo đó, 35 nữ học viên trúng tuyển năm 2009 mỗi ngày đều phải tham gia huấn luyện bay ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Thông thường, các nữ học viên dậy từ 4-5h, cất cánh lúc 6-7h và học lý thuyết vào buổi trưa, ôn luyện kỹ năng vào buổi chiều.

Do đặc thù lái máy bay chiến đấu nên họ phải liên tục tập luyện, thực hành các dòng chiến đấu cơ mới, thích ứng với mọi hệ thống vũ khí. Nếu không có tinh thần thép thì khó có thể vượt qua được. Điều này giải thích lý do tại sao khóa học đó có 35 học viên nhưng chỉ có 16 người tốt nghiệp và chỉ 4/16 người nói trên có thể lái được chiến đấu cơ thế hệ thứ 3. Tính đến nay, Trung Quốc đã đào tạo được 9 khóa phi công dành cho 545 học viên nữ và có 328 người tốt nghiệp. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có nhiều nữ phi công lái máy bay chiến đấu nhất, trong đó lực lượng không quân chiếm 52 người.

Cuộc chạy đua của các nữ phi công

Các con số thống kê cho thấy, thế giới có khoảng 16 quốc gia khác nhau có lực lượng nữ phi công lái máy bay quân sự.

Trung tá không quân Christine Mau, nữ phi công đầu tiên của Mỹ lái máy bay tiêm kích tàng hình F-35A. Ảnh: Indiandefence.

Như ở Pakistan, chỉ có 19 nữ phi công được lực lượng không quân nước này tuyển dụng trong suốt 10 năm qua và nay chỉ còn 6 người đang phục vụ trong quân ngũ. Nổi bật nhất trong số đó là Ayesha Farooq, 26 tuổi, nữ phi công duy nhất lái máy bay phản lực F-7PG, người đã vượt qua khóa đào tạo để trở thành phi công chiến đấu và bay tuần tra dọc biên giới. 3 năm qua, Ayesha Farooq đã trở thành hình mẫu cho hàng triệu cô gái ở đất nước Pakistan, nơi rất nhiều phụ nữ không được học hành và bị áp buộc phải quanh quẩn ở xó nhà.

Còn tại Hàn Quốc, các nữ phi công lái máy bay chiến đấu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ lần đầu tiên được phép học tại Học viện Không quân vào năm 1997. Hồi tháng 1, để động viên, khuyến khích các nữ phi công, lực lượng không quân Hàn Quốc đã quyết định bổ nhiệm 3 nữ phi công gồm: Thiếu tá Park Ji-yeon (38 tuổi) thuộc phi đội chiến đấu cơ 16; Thiếu tá Park Ji-won (38 tuổi) thuộc phi đội chiến đấu cơ 8 và Thiếu tá Ha Jeong-mi (37 tuổi) thuộc phi đội chiến đấu cơ 20 làm Phó Tư lệnh các phi đội tác chiến với nhiệm vụ giám sát các hoạt động bay của đơn vị và huấn luyện các phi công mới vào nghề.

Trong khi đó, ở Đức, các nữ phi công cũng hiếm khi được nhắc đến. Người ta chỉ biết duy nhất nữ phi công Ulrike Flender, người phụ nữ châu Âu đầu tiên hoàn thành khóa học theo chương trình Euro-NATO tại căn cứ không quân Sheppar năm 2006 và là nữ phi công Đức đầu tiên hoàn thành khóa học ở căn cứ Holloman năm 2007.

Tại Anh, từ năm 1994, không lực Hoàng gia Anh đã có các nữ phi công được phân công nhiệm vụ lái các máy bay tiêm kích nhưng hiện giờ, chưa đến 10 người được phép lái chiếc Tornado hay còn gọi là Typhoon. Một trong số 10 người này là Trung úy Helen Seymour (31 tuổi), người đã thực hiện sứ mệnh 7 giờ liên tục lái chiếc Eurofighter Typhoon tấn công như vũ bão vào Libya năm 2011, mở đường cho các đơn vị dưới mặt đất của Anh và liên quân thực hiện các kế hoạch đánh đuổi quân đội ủng hộ Tổng thống Gaddafi.

Riêng ở Mỹ, không chỉ số lượng nữ phi công mà tình trạng thiếu phi công cũng đang ngày càng phổ biến. Mới đây, Tướng David Goldfein đã phải thừa nhận rằng không quân Mỹ phải gọi gấp cả ngàn phi công đã nghỉ hưu quay lại làm việc và thúc đẩy nhanh việc đào tạo thêm các nữ phi công. Tướng David Goldfein thậm chí còn kêu gọi các nữ quân nhân học tập Trung tá không quân Christine Mau, 33 tuổi, phó Tư lệnh không đoàn tác chiến số 33 ở Eglin, bang Florida. Christine Mau là nữ phi công đầu tiên của Mỹ lái máy bay tiêm kích tàng hình F-35A.

Tác giả: Ngọc Khuê (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP