Trong nước

Khẩn trương có cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Chiều 3-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Theo báo cáo tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh. Thủ tướng đã phê duyệt phương án phân cấp 699 thủ tục hành chính (TTHC). Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Gần 4.400/6.502 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đạt trên 67%); hơn 164 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai và sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, gồm các đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó có công tác CCHC.

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho người dân Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ bao trùm là tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội khối nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ. Các địa phương kiện toàn các ban chỉ đạo CCHC do chủ tịch UBND làm trưởng ban; Bộ Nội vụ hướng dẫn để thực hiện thống nhất.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác CCHC. Trong đó, tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tại các luật chuyên ngành, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược CCHC của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đáng chú ý là khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4-2023.

Tác giả: T.Dũng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP