Nhiều tài khoản mạng xã hội đang rao bán các loại kem có nhãn mác chữ Trung Quốc |
Bao nhiêu cũng có, ở đâu cũng chuyển hàng
Khoảng hơn 1 tháng nay, trên các diễn đàn mạng xã hội nhiều chị em đang xôn xao với loại kem được quảng cáo là hàng "nội địa Trung Quốc" với cả chục loại hương vị khác nhau. Loại kem này được rao bán với giá từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/thùng (khoảng 3.000 đồng/que). Theo quảng cáo của người bán trên các trang mạng xã hội, do là hàng nội địa Trung Quốc nên bao bì của loại kem này toàn tiếng Trung mà không hề có thêm nhãn tiếng Việt, hạn sử dụng được 5 tháng, một thùng kem có 40 chiếc đủ 10 vị gồm vị ngô, socola, đậu xanh, dâu, vani…
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ yếu các chủ shop bán kem Trung Quốc online đều đến từ các tỉnh, thành phía Bắc như: Thái Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Nội, Phú Thọ... Lần theo lời quảng cáo trên trang mạng xã hội, phóng viên đã liên hệ với Nguyễn Văn T., một đầu mối ở tỉnh Lào Cai chuyên cung cấp kem "nội địa Trung Quốc" với số lượng lớn đi các tỉnh miền Bắc. Khi chúng tôi có ngỏ ý muốn đặt mua kem, T. cho biết: “Tôi có mối nhập hàng từ bên Trung Quốc về chất lượng bảo đảm. Kem có có nhiều loaị, bao gồm kem cây và ốc quế với hương vị đa dạng, như: Dứa, cam, sữa nhân đậu đỏ, sữa chua… giá bán 1,1 triệu/thùng 400 chiếc, tuỳ loại. Nếu khách hàng muốn mua loại rẻ hơn cũng có nhưng kem sẽ không ngon bằng những loại đắt tiền”. T. cũng giới thiệu thêm: Do hàng luôn có sẵn nên với những khách ở Hà Nội mà đặt mua kem thì khoảng 5-6 tiếng sau có thể nhận được kem, còn những tỉnh xa hơn như: Nghệ An, Thanh Hoá thời gian vận chuyển sẽ lâu hơn.
Một đầu mối chuyên cung cấp kem khác ở tỉnh Lào Cai cho biết: “Kem nội địa Trung Quốc có hai loại, loại 1 có giá 120.000 đồng/hộp 40 chiếc, loại 2 có giá 70.000 đồng/hộp 40 chiếc, tuỳ vào yêu cầu của khách hàng chúng tôi sẽ đóng hộp và miễn phí thùng xốp”. Như vậy, mỗi một chiếc kem nội địa Trung Quốc có giá hơn 3.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng khoảng 1/3 loại loại kem bình thường sản xuất trong nước và thấp hơn nhiều so với những loại kem nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản...
Chất lượng mập mờ
Hiện kem "nội địa Trung Quốc" được quảng cáo bằng những lời có cánh: “Hàng nội địa nên yên tâm về chất lượng; Kem nội địa không phải hàng trôi nổi nên yên tâm sử dụng…”. Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về nguồn gốc, chất lượng của kem khi nhập từ Trung Quốc lại không có thông tin nguồn gốc, thành phần sản phẩm bằng tiếng Việt, một người chuyên cung cấp loại kem này khu vực Hà Nội khẳng định: “Hàng chị bán là đảm bảo chất lượng, vì chị có người nhà bên Trung Quốc nên lấy được hàng giá rẻ. Kem chị bán cho khách là hàng nội địa chứ có phải hàng trôi nổi đâu mà sợ. Mỗi ngày chị bán cả trăm thùng kem ra thị trường có ai bị làm sao đâu. Đảm bảo hàng bên chị cung cấp đều là mới, hạn sử dụng cũng dài, giống như các loại kem được sản xuất trong nước”.
Đặc biệt, cũng đã có không ít người tiêu dùng tin vào những lời quảng cáo đã mua kem "nội địa Trung Quốc" với số lượng lớn để về sử dụng dần. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (Hà Đông – Hà Nội) cho biết: “Thấy bạn bè rỉ tai nhau kem nội địa Trung Quốc ngon và rẻ nên tôi và mấy người bạn cũng đã đặt mua một thùng kem nội địa trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, khi mua về cũng không biết hạn sử dụng, nguyên liệu gồm những gì vì toàn chữ Trung Quốc. Tất cả chỉ có thể nhìn hình ảnh bên ngoài để phân biệt hương vị các loại kem. Từ đó mình cũng nghi ngờ nên hiện chưa dám dùng mà cứ để tủ đá vì bỏ đi thì lại... tiếc".
Thời gian gần đây chủ cửa hàng tạp hóa Nga Hùng (đường Xuân Đỉnh- Hà Nội) liên tục nhận được lời mời chào từ các đầu mối cung cấp kem nội địa Trung Quốc. Chủ cửa hàng này cho biết: “So với kem trong nước, "kem nội địa Trung Quốc" có giá rẻ và hương vị cũng phong phú hơn, tuy nhiên, lại là những nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm nên tôi cũng không nhập về để bán”. Theo chủ cửa hàng tạp hóa Nga Hùng, thời gian gần đây người tiêu dùng lo ngại chất lượng của những mặt hàng Trung Quốc được bán trôi nổi trên thị trường nên đã không sử dụng những mặt hàng không rõ nguồn gốc. Do vậy, để lấy niềm tin của người tiêu dùng một số tiểu thương đã gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc” để bán những sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. “Người tiêu dùng không nên vì ham rẻ hay tin vào những lời quảng cáo mà mua những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về sử dụng”, chủ cửa hàng Nga Hùng cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với những loại hàng được gọi là “hàng nội địa Trung Quốc” nói chung và kem nội địa Trung Quốc nói riêng đang được bày bán trên thị trường đang được nhiều người ưa chuộng nhờ giá rẻ. Tuy nhiên, một điều dễ thấy với giá bán tận tay người tiêu dùng chỉ khoảng 3.000 đồng/que thì không thể là loại kem có chất lượng và nguyên liệu tốt. Đó là chưa kể đến việc để có hương vị, màu sắc hấp dẫn theo từng loại trái cây thì đương nhiên nhà sản xuất phải dùng phụ gia giá rẻ. Một cán bộ phân tích thị trường nhận định, việc quảng cáo "hàng nội địa" cũng có thể là một cách thức để người bán gây niềm tin với người tiêu dùng mà không loại trừ đó là loại hàng giả, hàng trôi nổi.
Tác giả: Đỗ Hòa
Nguồn tin: Báo Hải Quan