Trong tỉnh

Hơn 800 doanh nghiệp được thành lập mới tại Nghệ An

Tính trong 5 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 804 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,59% (giảm 13 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký thành lập 5.837,9 tỷ đồng...

Ảnh minh họa

Theo Cục thống kê Nghệ An, tình hình thành lập mới doanh nghiệp của tỉnh có chút phục hồi. Chỉ tính riêng trong tháng 5, tỉnh Nghệ An có 111 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng 19 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký thành lập gần 689 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại 67 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 65 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã giải thể của tỉnh này là 13 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thông báo giải thể là 28 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu tính lũy kế 5 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 804 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,59% (-13 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký thành lập 5.837,9 tỷ đồng. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 320 đơn vị, giảm 8,83%.

Có 487 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 0,83%. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại là 53 đơn vị, tăng 8,16%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 820 doanh nghiệp, tăng 15,33% so với cùng kỳ. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 88 đơn vị, tăng 31,34%; Số doanh nghiệp đã giải thể là 232 doanh nghiệp, tăng 2,2 lần; Số doanh nghiệp thông báo giải thể là 88 doanh nghiệp, tăng 3,3 lần.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm cuối tháng 5 năm 2023 bằng 91,99% so với cùng thời điểm năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng bằng 79,37%; ngành chế biến, chế tạo bằng 91,68%; ngành sản xuất và phân phối điện đạt 100,5%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải bằng 101%. Xét theo loại hình kinh tế, lao động khu vực nhà nước giảm 12,96%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,6% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13,07%.

Cùng với tình hình khởi sắc của doanh nghiệp, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của tỉnh cũng bắt đầu có tín hiệu phục hồi.

Liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài, theo thông tin từ Cục thống kê tỉnh Nghệ An, trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 2.000 tỷ đồng; Điều chỉnh 3 lượt dự án, trong đó có 2 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng 22,6 tỷ đồng.

Trong số đó, đáng chú ý có một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy KHKY Luxvisions Innovation Nghệ An tại KCN VSIP của Luxvisions Innovation Technology Limited: 29 triệu USD (tương đương 675,7 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu của Công ty cổ phần May Thịnh Phát: 593,2 tỷ đồng; Nhà máy gỗ TTD tại xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp của Công ty cổ phần Plywood TTD: 388,76 tỷ đồng.

Luỹ kế đầu năm đến ngày 20/5, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 57 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 12.200 tỷ đồng. Điều chỉnh 52 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 17 dự án (tăng hơn 2.600 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là gần 14.900 tỷ đồng.

Hoạt động thu ngân sách Nhà nước trong 5 tháng qua của tỉnh Nghệ An ước đạt hơn 7.200 tỷ đồng, bằng 83,49% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều khoản thu trọng yếu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong đó, thu nội địa của tỉnh Nghệ An ước đạt hơn 6.700 tỷ đồng, đạt 45,98% dự toán và bằng 85,29% so với cùng kỳ năm 2022. Loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu tiền xổ số kiến thiết thì thu nội địa 5 tháng ước thực hiện hơn 4.910 tỷ đồng, đạt 44,4% dự toán và bằng 92,14% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh ước đạt 501,2 tỷ đồng, đạt 40,1% dự toán và bằng 65,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 5 tháng qua tăng 1,62% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,59%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,25%. Công nghiệp khai khoáng tăng 1,9% và Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,26%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Nghệ An trong 5 tháng qua ước đạt gần 45.600 tỷ đồng tăng 11,83% so với cùng kỳ năm 2022. Còn đối với doanh thu bán lẻ hàng hoá của tỉnh này ước đạt hơn 36.500 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống của tỉnh Nghệ An ước đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 30,78% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 563 tỷ đồng, tăng hơn 48,04%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 4.380,9 tỷ đồng, tăng 28,85%. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành đạt 91,5 tỷ đồng, tăng 4,97 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 10,37% so cùng kỳ.

Tác giả: Nguyễn Thuấn

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP