Xã hội

Hơn 20 năm đón giao thừa ngoài đường phố

Những cận tết, khi người người, nhà nhà dành phần lớn thời gian mua sắm vật dụng, sửa soạn nhà cửa đón tết thì các công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Vinh, Nghệ An vẫn miệt mài thu gom, quét dọn rác trên các tuyến đường, phố. Đối với họ, đón Tết ngoài đường đã trở thành quen thuộc kể từ khi bước chân vào nghề.

Chị Quyên (quê ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), tổ thu gom rác số 3, vẫn âm thầm, lặng lẽ kéo xe đi khắc các tuyến đường được giao để gom rác. Ảnh: Quỳnh Trang

Như thường lệ, mỗi ngày công nhân vệ sinh môi trường phải tiếp xúc với rất nhiều rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc giữa trời nắng cũng như trời mưa để làm sạch đẹp cho nhiều tuyến đường trong thành phố.

Những ngày cận tết, sự vất vả, nhọc nhằn ngày càng đè nặng lên đôi vai của những công nhân vệ sinh. Và hầu hết họ ít có thời gian để sum vầy bên gia đình đón một cái tết đúng nghĩa.

Chị Trần Thị Kim Dung cho biết, công việc làm sạch đường bắt đầu từ 14h đến tận 22 - 23 giờ mỗi ngày. Những ngày cận tết, lượng rác nhiều nên từ 13h chị bắt đầu nổ xe kéo đi thu gom, tập kết rác thải trên tuyến đường được giao không kể nắng hay mưa. Ảnh: Quỳnh Trang

Tại trục đường Trần Phú, chị Trần Thị Kim Dung (sinh năm 1978, quê ở Hưng Lộc, Nghệ An), tổ thu gom rác số 5, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Nghệ An đang cần mẫn quét dọn, gom rác thải dọc đường, đưa lên xe đẩy. Cuối năm, lượng rác tăng đột biến do các gia đình dọn dẹp nhà cửa đón Tết càng khiến công việc của chị thêm phần vất vả...

Lau mồ hôi trên trán, chị Dung cho biết, từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết là khoảng thời gian lượng rác phát sinh tăng mạnh so với ngày thường. Do đó, công nhân phải tăng ca, tăng công, “bám đường” 24/24 giờ để thu dọn rác thải, giữ đường phố sạch, đẹp.

Những ngày cao điểm (từ 28 đến 30 Tết), 6h30 công nhân vệ sinh môi trường ra khỏi nhà, “trực chiến” trên đường, chỉ tranh thủ tạm nghỉ lúc 13h30. Buổi chiều, khoảng 18h30 sau khi ăn miếng bánh lấy sức, họ lại vào guồng việc mới.

“27 năm làm công nhân vệ sinh môi trường, chưa năm nào tôi được đón Giao thừa cùng gia đình, có năm đến 5h sáng mùng 1 mới về đến nhà. Công việc của công nhân vệ sinh môi trường không phải hết giờ, mà là hết rác mới hoàn thành nhiệm vụ.”, chị Dung chia sẻ

Làm công nhân dọn rác cũng chỉ mong sao con học hành nên người. Con trai lớn của chị hiện đang học THPT. Còn đứa con gái nhỏ, chắc chị sẽ còn gắn bó với nghề dọn rác thuê trong thời gian dài. Nói đến tương lai của các con, mắt chị sáng lên. Chị nở nụ cười, vì đến bây giờ, bằng nghề dọn rác, cả anh và chị vẫn lo được cho gia đình của mình, lo cho con một tương lai tươi sáng hơn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Dung cũng như nhiều anh, chị em công nhân đều mong được đón Giao thừa cùng gia đình, đi thăm hỏi chúc Tết người thân, láng giềng, thế nhưng vì đặc thù công việc, mọi người động viên nhau cùng gắng sức hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong những ngày mùng 1, mùng 2 Tết, lượng rác giảm, tổ phân sẽ bố trí anh em ứng trực duy trì đường phố; tạo điều kiện cho công nhân có thời gian đi chúc Tết, ăn bữa cơm Tết cùng gia đình.

Anh Võ Anh Hải ( SN 1983, trú tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh ) Đội trưởng thu gom rác số 3 chia sẻ về những mong ước của công nhân môi trường. Video: Quỳnh Trang

Đi làm trong những ngày cận Tết, anh Võ Anh Hải (sinh năm 1983, trú tại Phường Hà Huy Tập) - Đội trưởng thu gom rác số 3 cho biết, tuy công việc mệt và vất vả nhưng anh luôn cảm thấy vui vì công việc có ý nghĩa góp phần “làm đẹp cho đời”. Mặc dù thế vẫn còn nhiều người dân thiếu ý thức, vô tư xả rác ra đường. Đặc biệt, vào những dịp Giao thừa, rác từ những chỗ bán hoa, trái cây, cành lộc sau khi bán xong còn thừa lại rất nhiều.

“Tôi và các đồng nghiệp rất vất vả để dọn dẹp, trả lại mặt đường như ban đầu. Do đó, chúng tôi mong muốn người dân khi đi chơi Tết vứt rác đúng nơi quy định để công việc của công nhân vệ sinh môi trường đỡ vất vả hơn” anh Hải cho biết thêm.

Tác giả: QUỲNH TRANG

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP