Thế giới

Hơn 150 người chết vì Covid-19 tại Tây Ban Nha trong một ngày

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Tây Ban Nha trong ngày 15/3 tăng kỷ lục hơn 2 lần, trong bối cảnh châu Âu trở thành "tâm chấn" mới của đại dịch này.

Tây Ban Nha phong tỏa toàn bộ đất nước từ ngày 15/3 trong nỗ lực nhằm ngăn dịch Covid-19 lan rộng. (Ảnh minh họa: Getty)

Tây Ban Nha, Pháp trở thành "điểm nóng"

Tại Tây Ban Nha, số liệu của chính phủ nước này cho thấy, trong ngày 15/3, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 152 người chết vì Covid-19, tăng hơn 2 lần so với một ngày trước đó lên 288 ca. Số ca mắc mới trong ngày cũng tăng 2.000 ca lên 7.753 ca.

Tây Ban Nha hiện là điểm nóng bùng phát dịch lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Italia.

Cũng trong ngày hôm qua, Pháp có thêm 29 người tử vong vì Covid-19, nâng số ca tử vong tại đây lên 127, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết. Đây là ngày có nhiều người tử vong vì Covid-19 nhất tại Pháp kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 1. Trong 24 giờ qua, Pháp cũng ghi nhận thêm khoảng 900 ca dương tính với Covid-19, nâng số người nhiễm bệnh tại đây lên 5.400.

Trong bối cảnh số người tử vong và số ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng nhanh, nhiều chính phủ trong khu vực đã triển khai các biện pháp ứng phó chưa từng có.

Chính phủ Tây Ban Nha cuối tuần trước đã ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia kéo dài 15 ngày, phong tỏa gần 47 triệu dân nhằm ngăn dịch lan rộng. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà, chỉ ra ngoài vì lý do y tế, mua lương thực hoặc một số trường hợp khẩn cấp khác. Các nhà hàng, quán bar, các địa điểm công cộng và trường học đều phải đóng cửa.

Trong ngày đầu tiên phong tỏa, các đường phố, địa điểm công cộng ở khắp Tây Ban Nha trở nên vắng vẻ, trong khi cảnh sát được nhìn thấy đeo khẩu trang tuần tra để nhắc nhở, hoặc dùng thiết bị không người lái để giám sát tại Madrid.

Tại Pháp, chính phủ nước này tuyên bố sẵn sàng chi hàng chục tỷ Euro hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết hôm qua 15/3. "Chính phủ sẽ hỗ trợ tất cả vượt qua thời gian khó khăn này và ngân sách hỗ trợ ước tính hàng chục tỷ Euro", Bộ trưởng Bruno nói.

Báo Les Echos cho hay, chính phủ Pháp có thể sẵn sàng chi 30-40 tỷ Euro để hỗ trợ nền kinh tế. Trước đó, chính phủ Pháp đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ hoãn thu thuế, bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng.

Anh triển khai các biện pháp mạnh

Tại Anh, với 1.140 ca mắc Covid-19 và 21 ca tử vong, chính phủ nước này cũng bắt đầu triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ Anh có kế hoạch công bố biện pháp yêu cầu người trên 70 tuổi tự cách ly đến 4 tháng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Kế hoạch dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới.

"Chúng tôi sẽ công bố vào thời gian hợp lý, chúng tôi đánh giá cao biện pháp này bởi người cao tuổi, người dễ bị tổn thương là vấn đề đáng lưu tâm, quy định này giúp họ tự bảo vệ được mình", Bộ trưởng Hancock nói.

Ngoài ra, trong tuần này, chính phủ Anh cũng sẽ triển khai biện pháp cách ly bắt buộc đối với người bị chẩn đoán mắc Covid-19 và sẵn sàng cấm các hoạt động tập trung đông người. Mặt khác, ông Hancock nhấn mạnh thêm rằng, "miễn dịch cộng đồng" - cụm từ dùng để chỉ cho phép virus lây lan rộng trong cộng đồng để tạo ra miễn dịch - không nằm trong chiến lược ứng phó của chính phủ Anh.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP