“Trường chung” không ai lo
Xã Hưng Châu nằm ở khu vực trung tâm của vùng Đông Nam huyện Hưng Nguyên. Tại đây, do quy mô học sinh ngày càng giảm nên từ năm 2006, huyện Hưng Nguyên đã chủ trương sáp nhập Trường THCS Hưng Châu và THCS Hưng Nhân. Đến năm 2009, trường lại tiếp tục sáp nhập với Trường THCS Lê Lợi (là trường THCS của hai xã Hưng Phú và Hưng Khánh) và đổi tên mới là Trường THCS Lam Thành.
Trường Tiểu học Thanh Liên (Thanh Chương) chưa được đầu tư dù đã có chủ trương. Ảnh: Mỹ Hà |
Việc sáp nhập thời điểm đó được xem là giải pháp tích cực nhằm mục đích tăng cường hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, trên thực tế, sau 8 năm những khó khăn của trường vẫn còn nguyên. Hơn thế, mục tiêu xây dựng trường chuẩn của trường ngày càng xa vời dù rằng trường có đến 4 địa phương chịu trách nhiệm đầu tư.
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Võ Đình Hòe - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện trường có gần 500 học sinh với 16 lớp. Tuy nhiên, từ khi sáp nhập do lớp không đủ nên nhà trường phải bố trí cho học sinh học hai ca. Các phòng chức năng của trường cũng rất tạm bợ, không đáp ứng đủ yêu cầu dạy học. Đầu năm 2016, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ xây thêm một dãy phòng học từ nguồn vốn Dự án “Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2” của Ngân hàng ADB.
Tuy nhiên, công trình vừa xây xong móng thì buộc phải tạm dừng nhiều tháng nay do thiếu vốn. Hiện nay, dù năm học mới đã bắt đầu, nhưng việc chỉnh trang khuôn viên trường lớp của trường vẫn còn rất bộn bề”. Còn ông Lê Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã Hưng Châu cho biết: “Xây dựng Trường THCS Lam Thành thành trường chuẩn là một trong những mục tiêu của xã Hưng Châu trong tiến trình hoàn thành xây dựng xã chuẩn nông thôn mới vào năm 2018.
Thời gian qua, 4 xã cũng đã nhiều lần cùng nhau bàn bạc để đầu tư khoảng hơn 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và Hưng Châu tự nguyện đóng nhiều hơn. Tuy vậy, với lý do “ngân sách xã nào cũng khó khăn, các xã cũng đã có trường THCS đầu tư từ ngày trước rồi” nên các đơn vị đều lần lữa, khiến việc xây dựng trường lớp bị dở dang”.
Cũng tại xã Hưng Châu, một ngôi trường khác cũng đang rơi vào dự án treo đó là trường mầm non. Toàn trường hiện có 8 phòng học nhưng 5 phòng học rơi vào tình trạng xuống cấp vì xây dựng đã khá lâu. 3 phòng học còn lại, trường phải mượn tạm ở nhà văn hóa xóm. Trong đó, có 2 phòng học gọi là phòng nhưng thực chất mỗi phòng chưa đến 10m2, ngăn đôi từ hội trường nhà văn hóa.
Với huyện Thanh Chương, toàn huyện đang có 65 điểm trường lẻ, học sinh đang phải học tạm ở các nhà văn hóa hoặc ở các đơn vị khác. Ví như Trường Tiểu học Thanh Liên, bước vào năm học mới, dù số lớp của trường đã giảm nhưng trường vẫn đang còn hai lớp phải học tạm ở Trường THCS của xã.
Thầy giáo Đặng Phúc Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: “Do địa bàn của xã quá rộng, trường lại không nằm ở khu vực trung tâm nên từ nhiều năm nay chính quyền xã đã có kế hoạch di dời trường về địa điểm mới, nằm ở cụm trung tâm xã. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về vốn nên sau khi san lấp mặt bằng, việc triển khai xây mới còn nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí của xã và nguồn huy động xã hội hóa rất thấp”.
Ông Đặng Văn Hóa - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương cũng cho biết: “Kết thúc năm học 2016 - 2017, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của toàn huyện là 62,8% với 81 trường. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, tuy nhiên, con số này so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn thấp hơn khoảng 4% và để đạt chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện đưa ra là 70% thì công tác xây dựng trường chuẩn của huyện vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Hiện, hầu hết các ngôi trường được xây mới của huyện nguồn kinh phí đều từ tỉnh và từ sự hỗ trợ thông qua xã hội hóa giáo dục. Còn trên thực tế, việc huy động từ ngân sách địa phương hầu như rất ít bởi đặc thù của huyện Thanh Chương là địa bàn rộng, số trường khó khăn nhiều. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng triển khai thuận lợi. Hiện tại, ít nhất có 2 dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thể triển khai vì thiếu vốn đó là công trình xây dựng Trường THCS Thanh Liên và Trường THCS Nho Hòa”.
Lớp học tạm bợ trong nhà văn hóa xóm của Trường Mầm non Hưng Châu (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà |
Xếp hàng 'ngóng' hỗ trợ
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn 1.403 phòng học tạm, mượn (trong đó, mầm non 748 phòng, tiểu học 548 phòng, THCS 86 phòng, THPT 21 phòng). Qua khảo sát, còn ít nhất 120 trường thuộc diện đặc biệt khó khăn cần phải xây dựng. Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay, theo ông Nguyễn Mậu Lương - Giám đốc Ban Quản lý các dự án chuyên ngành Giáo dục và Đào tạo nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn cấp cho ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 rất ít với 131 tỷ đồng. Với nguồn vốn ít ỏi này, trong ba năm tới số trường được đầu tư xây dựng và sửa chữa chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong hoàn cảnh đó, việc kêu gọi xã hội hóa và sự vào cuộc của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Về phía tỉnh và ngành Giáo dục, trong thời điểm này, các dự án sẽ tiếp tục được triển khai chủ yếu chỉ tập trung vào những điểm trường khó khăn. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất các trường PTDTNT Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2017-2020, Nghệ An sẽ được Trung ương hỗ trợ 254 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng phòng học cho 86 trường mầm non, tiểu học thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Ngành cũng đang tích cực làm các thủ tục để khởi động lại dự án hỗ trợ xây dựng trường học cho các trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn để sớm chấm dứt tình trạng dự án treo...
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An