Trong tỉnh

Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối

Sáng 8/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại 09 tỉnh nơi có dự án đi qua gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên và 63 Công ty điện lực các tỉnh.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trung tướng Hà Thọ Bình – Tư lệnh Quân khu 4 chủ trì. Cùng tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Vinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đại tá Phan Đại Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị: Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai.

Quang cảnh hội nghị điểm cầu Nghệ An

Hoàn thành đóng điện các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 sau hơn 6 tháng thi công

Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, 513 khoảng néo đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 09 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Đường dây 500kV mạch 3 là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và các năm tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Báo cáo tại hội nghị, Lãnh đạo Tập đoàn EVN cho biết: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành đóng điện các Dự án Đường dây 500kV mạch 3 sau hơn 6 tháng thi công. Việc hoàn thành dự án theo đúng tiến độ được giao là thành tích nổi bật đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, sự ghi nhận của các Bộ ngành, địa phương và người dân.

Dự án trải dài trên 9 tỉnh có diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 183ha, 5.248 hộ dân và 96 tổ chức bị ảnh hưởng, 167 hộ dân phải di dời tái định cư. Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, sự vào cuộc của chính quyền địa phương 9 tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đến ngày 8/3/2024, đã hoàn thành bàn giao xong mặt bằng 1.177/1.177 vị trí móng, ngày 17/6/2024 bàn giao xong hành lang tuyến cho 513/513 khoảng néo. Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án nhanh kỷ lục, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của các Dự án.

Về công tác thi công xây dựng, để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ của Thủ tướng Chính phủ giao, EVN/EVNNPT, các Ban QLDA đã phối hợp với các Nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực vượt mọi khó khăn, tổ chức sản xuất, thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “3 ca 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “không thua bão gió”, “xuyên lễ/Tết/ngày nghỉ”.

Sau hơn 6 tháng thi công, Dự án ĐZ 500 kV Nam Định I - Thanh Hóa cùng các dự án đồng bộ trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa và mở rộng ngăn lộ tại các Trạm biến áp 500 kV Quảng Trạch, Phố Nối đã đóng điện ngày 30/6/2024; Hai Dự án ĐZ 500kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đóng điện ngày 19/8/2024 và Dự án cuối cùng là ĐZ 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đóng điện ngày 27/8/2024.

Với sự cố gắng nỗ lực của EVN/EVNNPT, các nhà thầu và các lực lượng hỗ trợ, sau hơn 6 tháng thi công, đã hoàn thành khối lượng đào đất, đá 2.54 triệu m3; đổ bê tông 705 nghìn m3 các loại; gia công 69.8 nghìn tấn cốt thép móng; lắp dựng 1.177 cột thép với tổng trọng lượng 139 nghìn tấn; kéo rải căng dây 13.983km dây các loại.

Đến nay, Tập đoàn EVN đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 4 mạch ĐZ 500kV từ Bắc vào Nam dọc chiều dài đất nước. Trong đó, ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1 đóng điện vận hành ngày 27/5/1994, ĐZ 500kV mạch 2 vận hành ngày 23/9/2005 và ngày 27/8/2024 các cung đoạn cuối cùng của hai mạch ĐZ 500kV mạch 3 đã được hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành.

Tỉnh Nghệ An đã kịp thời phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chủ đầu tư góp phần đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng

Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đi qua 6 huyện, thị xã có tổng chiều dài 99,83 km với 202 vị trí móng cột; với gần 50 ha diện tích đất các loại phải thu hồi, gần 15 ha diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi mục đích sử dụng, 53 hộ bị ảnh hưởng đất ở và 20 công trình, vật kiến trúc phải tháo dỡ.

Tỉnh Nghệ An xác định Dự án đường dây 500kV mạch 3 có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách, quy mô lớn, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu tiến độ rất gấp, do đó công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án phải thực hiện trước một bước và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, tỉnh đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó phân công bộ phận thường trực, duy trì cơ chế thông tin hàng ngày, hàng tuần; đồng thời huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp của toàn thể nhân dân trong vùng dự án để tập trung khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sớm nhất.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Sau 52 ngày khởi công dự án (ngày 10/3/2024), tỉnh Nghệ An đã hoàn thành bàn giao 202/202 vị trí móng cột cho đơn vị thi công, sau 05 tháng khởi công dự án (ngày 18/6/2024) đữ hoàn thành bàn giao 203/203 khoảng cột.

Quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản thỏa thuận hướng tuyến, tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư các Dự án; lãnh đạo tỉnh đã tổ chức, tham gia 14 Đoàn Công tác đi kiểm tra tình hình triển khai dự án; tổ chức, tham gia 19 cuộc làm việc để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã kịp thời phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chủ đầu tư góp phần đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Đảm bảo nguồn điện, phân phối sử dụng điện có hiệu quả, giá điện phải phù hợp với nền kinh tế và thu nhập của người dân

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động và cảm ơn nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức kỹ sư ngành điện đã vượt lên khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, “túi mưa, chảo lửa”, địa hình cheo leo nhưng đã hoàn thành đạt tiến độ đề ra. Cảm ơn cấp uỷ, chính quyền 9 tỉnh, 43 huyện và 211 xã nơi dự án đi qua, Đảng lãnh đạo, Chính quyền vào cuộc, nhân dân ủng hộ. Các cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin tuyên truyền tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho ngành điện, cả nước, cả dân tộc, thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, kiên trì, “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”; từ khi dự án được khởi công đến thời điểm hoàn thành, đóng điện đã có hơn 6.600 tin, bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao vai trò, uy tín của ngành Điện lực.

Theo Thủ tướng Chính phủ, bài học kinh nghiệm được rút ra là biết huy động sức mạnh toàn dân tộc, quyết tâm triển khai các dự án lớn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, chính quyền, kịp thời tháo gỡ về mặt thể chế, chính sách… đảm bảo dự án hoàn thành đúng mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, cần huy động sức mạnh từ nhân dân, phối hợp với các doanh nghiệp khác. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế, xây dựng chính sách để huy động nguồn lực với tinh thần: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi", với tinh thần "chỉ bàn làm không bàn lùi"; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, phát huy tính tự lực, tự cường, kiên cường, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số nhưng không thiếu điện; phát huy sức mạnh của ngành Điện và của cả hệ thống chính trị đảm bảo nguồn điện, phân phối sử dụng điện có hiệu quả, giá điện phải phù hợp với nền kinh tế và thu nhập của người dân. Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp khác có nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Kịp thời tháo gỡ về mặt thể chế, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ngành điện phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo để phát triển đúng tầm, đúng xu hướng; phải xây dựng được cơ sở dữ liệu, là đầu ra cho ngành điện thông minh trong kỷ nguyên mới. Cùng với đó, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm tốt chính sách cho cán bộ, người lao động trong ngành.

Đồng thời đề nghị các cấp uỷ, chính quyền tiếp tục chăm lo đời sống của người dân đã vì dự án mà phải di dời nhà cửa; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thời gian thực hiện dự án.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP