Báo cáo về công tác chuẩn bị năm học mới của UBND TP HCM cho thấy trong khi toàn thành phố tăng 35.055 học sinh (HS - gồm 22.593 HS công lập và 12.463 em ngoài công lập) thì bậc THCS đã 34.107 em, trong đó hệ công lập là 33.669 em và 438 em ngoài công lập.
Tăng ở nhiều cấp
Ngoài THCS, bậc THPT cũng tăng 21.181 HS, mầm non tăng 7.932 em. Duy nhất, bậc tiểu học giảm 28.165 HS so với năm học trước.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, số HS năm học 2023-2024 tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Nguyên nhân là do những địa phương trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số cơ học tăng cao.
Ở quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết bậc mầm non trong năm học mới dự kiến là hơn 32.000 trẻ, tăng hơn 7.000 trẻ so với năm học trước. Ở bậc tiểu học, theo số liệu điều tra của UBND 10 phường, năm học mới dự kiến huy động hơn 10.000 HS vào lớp 1, trong khi số HS lớp 5 ra trường là hơn 12.000 em, tăng gần 3.000 em so với năm học trước.
Số học sinh tại TP HCM tăng mạnh ở các cấp trong năm học mới Ảnh: NAM PHƯƠNG |
Áp lực khổng lồ về số HS tăng, sĩ số trung bình ở các trường tiểu học công lập tại quận Bình Tân là 41,6 HS/lớp. Tình hình tương tự ở khối THCS, khi số HS năm học mới tăng 2.378 em, tương đương 53 lớp so với năm học trước, khiến sĩ số trung bình ở địa phương này là 44 HS/lớp.
Tương tự, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết năm học 2023-2024 có khoảng 19.017 HS vào lớp 6, tăng 3.003 HS so với năm trước. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cũng cho biết có khoảng hơn 10.000 HS vào lớp 1 và cũng khoảng 10.000 HS vào lớp 6, đều tăng so với năm trước.
Tại quận Tân Bình, số HS vào lớp 6 tăng hơn 1.000 em so với năm trước. Tại quận Gò Vấp, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, ông Trịnh Vĩnh Thanh, cho hay có khoảng 11.000 HS hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6. "Con số này tăng mạnh so với năm học trước do năm nay là lứa tuổi rồng vàng" - ông Thanh nhận định.
Trường, lớp mới như "muối bỏ bể"
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM, trong năm học 2023-2024, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 48 dự án với 672 phòng học mới, số phòng học tăng thêm là 371 phòng. Trong đó, dự kiến đưa vào sử dụng ngày 5-9 là 27 dự án với 441 phòng mới (số phòng học tăng thêm là 282 phòng). Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể là 68 phòng học (mầm non), tiểu học 197 phòng (tăng thêm 117 phòng), THCS là 88 phòng (tăng thêm 39 phòng). Giai đoạn 2 sau ngày 5-9 hết tháng 12-2023 là 21 dự án với 231 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 89 phòng.
Theo đánh giá của không ít lãnh đạo phòng GD-ĐT, số trường, lớp xây mới cũng chỉ như "muối bỏ bể" so với số HS cần chỗ học. Ông Khưu Mạnh Hùng nói trong năm học mới, quận 12 chỉ có 1 trường tiểu học hoàn thành giai đoạn 2 đưa vào sử dụng với 25 phòng học. Thiếu phòng học, đẩy sĩ số trung bình/lớp ở địa phương này là 50 HS/lớp bậc tiểu học và THCS là từ 46-50 em/lớp.
Trong khi đó, một số địa phương còn trong tình trạng không có trường trên địa bàn phường khiến HS phải đi qua phường khác học. Điển hình như quận Bình Tân, phường Bình Trị Đông A gặp khó khăn về trường, không đáp ứng chỗ học nên HS phải chuyển đến học ở các phường xa. "Năm học 2023-2024, số lượng trẻ vào lớp 1 là 970 em nhưng Trường Tiểu học Bình Trị Đông A chỉ nhận được 288 HS. Phường Bình Trị Đông B chưa có trường THCS nên 684 HS vào lớp 6 cư trú tại phường này sắp tới đây phải di chuyển qua phường khác học" - ông Ngô Văn Tuyên thông tin.
Theo ông Tuyên, để có thể đáp ứng cơ bản chỗ học, các trường đều có phương án tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để làm phòng học, mục tiêu là có thêm được phòng học nào thì tốt phòng đó.
Hà Nội: "Vạ vật" nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 Thời gian qua, tình trạng phụ huynh xếp hàng, "vạ vật xuyên đêm" tại một số trường ở Hà Nội để nộp hồ sơ, nhập học cho con vào lớp 10 diễn ra thường xuyên. Gần đây nhất, hàng trăm phụ huynh đã xếp hàng xuyên đêm tại nhiều trường như: PTCS và THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa), THPT Phan Huy Chú, THPT Tạ Quang Bửu, THCS và THPT Lương Thế Vinh… Về tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định "Hà Nội là điển hình" của vấn đề này. "Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói. |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động