Giáo dục

Học sinh lớp 12 bị đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo điều gì?

Đột quỵ có nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra. Người trẻ bị đột quỵ mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn người già.

Mới đây, em H.H.C (SN 2005, trú xóm 2, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An) học sinh lớp 12 bị đột quỵ được gia đình đưa đi cấp cứu. Sức khỏe em C. bình thường. Hàng ngày, em phụ giúp bố mẹ làm nông, cuối tuần đi phụ hồ.

Sau một cơn đau đầu, C. bắt đầu bị co giật toàn thân, hôn mê. Qua chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán C. bị xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình lớn động mạch cảnh trong phải.

Ai có nguy cơ mắc đột quỵ. Ảnh minh họa.

Theo Tiến sĩ Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ, đột quỵ xuất huyết não được mô tả là tình trạng bệnh gây ra do sự vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài có thể tràn vào trong mô não gây phá huỷ và chèn ép mô não, máu cũng có thể tràn vào não thất gọi là xuất huyết não thất hay cũng có thể tràn vào khoang màng nhện gọi là xuất huyết khoang dưới nhện.

Theo thống kê, đột quỵ nhồi máu não phổ biến hơn chiếm khoảng 80% các trường hợp. Đột quỵ xuất huyết não chiếm khoảng 20% các trường hợp.

Với những bệnh nhân trẻ tuổi nhưng lại bị đột quỵ thì sẽ thuộc nhóm xuất huyết não, yếu tố thúc đẩy là tăng huyết áp. Có tới 80% bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não không có triệu chứng báo trước. Số ít có dấu hiệu đau đầu kéo dài, động kinh, hoặc sụp mi mắt.

Bệnh nhân bị vỡ phình mạch máu não, dẫn đến xuất huyết tràn trong não và tử vong. Với những bệnh nhân như vậy, lúc chưa vỡ thường không có biểu hiện lâm sàng, cho tới lúc nào đó có một cơn tăng huyết áp, hay mạch máu không chịu nổi rồi vỡ dẫn đến xuất huyết não, hôn mê sâu, nặng sẽ tử vong.

Tiến sĩ Cường cho biết hiện nay nhiều người vẫn đến nay lầm tưởng đột quỵ thành trúng gió. Tuy nhiên, trong y học hiện đại, người ta đã chứng minh rằng không có hiện tượng trúng gió mà nó chỉ là từ ngữ trong dân gian.

Nếu bệnh nhân đột quỵ cấp cứu trễ thời gian vàng, mặc dù bác sĩ rất tài giỏi cũng không thể cứu được họ hoặc cứu được thì người bệnh sẽ bị tàn phế.

Ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều cách xử trí đột quỵ sai lầm dẫn đến ảnh hưởng việc phục hồi của bệnh nhân đó là vắt chanh vào miệng, cạo gió, chích lể đầu ngón tay, cúng bái, mà không hề hay biết não có thể đang bị tắc nghẽn hoặc xuất huyết. Lúc này cấp cứu não sẽ được tính bằng giây không phải bằng phút. Tốt nhất cần đưa bệnh nhân tới viện sớm nhất.

TS Cường khuyến cáo điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát. Những người có triệu chứng đột quỵ; từng đột quỵ nhẹ hoặc có những yếu tố nguy cơ cao như: Trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, uống rượu bia nhiều. Ngoài ra, những người có các triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh cần phải đi tầm soát đột quỵ.

Tác giả: Hoàng Quyên

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP