Cụ thể, mới đây Bảo hiểm xã hội TP HCM đã công bố danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng (số liệu chậm đóng tính đến hết ngày 31/01/2024, cập nhật UNC đến hết ngày 20/02/2024).
Trong đó, đáng chú ý là Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế có địa chỉ tại 137 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh đã nợ 13 tháng Bảo hiểm xã hội của nhân viên với tổng số tiền chậm đóng là hơn 9,5 tỷ đồng.
Hoàng Phúc Quốc Tế được biết đến là nhà bán lẻ, chuyên phân phối các sản phẩm hàng hiệu như Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple,... Các thương hiệu thời trang của công ty hướng đến đối tượng có thu nhập khá trở lên nên giá bán khá cao.
Một trong các cửa hàng của Hoàng Phúc Quốc Tế |
Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế thành lập vào ngày 6/11/2017 với vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm ông Bùi Văn Phúc 70%, bà Lê Thị Ngọc Linh 29,5%, ông Bùi Hoàng Việt 0,5%. Cả ba cá nhân đều có cùng một địa chỉ thường trú tại TP. HCM.
Tại lần thay đổi mới nhất, Hoàng Phúc có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, người giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật vẫn là ông Bùi Văn Phúc từ khi thành lập đến nay.
Năm 2022, Hoàng Phúc Quốc Tế ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,87 tỷ đồng, giảm tới 83% so với mức lãi 11 tỷ đồng đạt được năm 2021. Tỷ lệ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp theo đó giảm từ 98,35% còn 8,12%.
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Hoàng Phúc Quốc Tế đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 16,68 lần lên 19,66 lần. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0 lên 0,48 lần.
Giai đoạn 2017 - 2021, Hoàng Phúc Quốc tế đưa về hơn 1.500 tỷ đồng, song lợi nhuận đưa về trên sổ sách chỉ vỏn vẹn khoảng 8 tỷ đồng. Tương ứng tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của Hoàng Phúc Quốc tế trong giai đoạn này là 0,005 lần. Đồng nghĩa với việc cứ 1 đồng doanh thu Hoàng Phúc Quốc tế đưa về, chỉ tạo ra được 0,005 đồng lợi nhuận.
Tác giả: Minh Châu (t/h)
Nguồn tin: kienthuc.net.vn