Học sinh Trường Mầm non Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trong một tiết học. Ảnh: INT |
Chính sách nhân văn
Tiếp tục chính sách chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh sau đại dịch Covid–19, đảm bảo an sinh xã hội, Đà Nẵng sẽ miễn 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2022 – 2023. Chính sách này không áp dụng với trẻ mầm non và học sinh phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài. Với các trường ngoài công lập, mức hỗ trợ bằng mức thu học phí của trường công lập.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, nếu tính theo mức học phí cũ với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, bình quân mỗi năm thành phố hỗ trợ khoảng 92 tỷ đồng. Nhưng nếu tính theo mức mới của Nghị định 81, số tiền hỗ trợ bình quân là 450 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần. Trước đó, năm học 2021 – 2022, Đà Nẵng cũng hỗ trợ 100% học phí do HĐND thành phố quy định. Riêng năm học 2020 – 2021, TP miễn 4 tháng học phí ở học kỳ I.
Ngoài ra, HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua nghị quyết hỗ trợ hơn 4,685 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh con hộ nghèo, mồ côi do Covid -19 và 4.400 em con hộ cận nghèo đang học tại trường phổ thông công lập và ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022 – 2023.
“Khi lấy ý kiến của các địa phương để xây dựng đề án học phí tham mưu UBND tỉnh, có 14 huyện, thị xã, thành phố không thống nhất tăng học phí. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, lẽ ra phải giảm học phí vì điều kiện của người dân sau dịch Covid–19 còn gặp nhiều khó khăn. Một số ý kiến quan ngại khi tăng học phí theo mức mới, học sinh vùng miền núi sẽ gặp nhiều trở ngại nếu không thuộc đối tượng miễn giảm”, ông Thái Viết Tường cho hay. |
Đề án học phí từ năm học 2022 – 2023 cuối cùng đã không trình tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam khẳng định, năm học 2022 – 2023, tỉnh vẫn áp dụng mức thu học phí như cũ.
Theo như đề án UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất, ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí trong học kỳ I năm học 2022 – 2023, tương ứng với khoản chênh lệch giữa mức sàn và khung quy định mức thu học phí năm học 2022 – 2023. Như vậy, 4 tháng đầu năm học 2022 – 2023, người học vẫn nộp học phí theo mức thu cũ như năm học 2021 – 2023. Sang học kỳ II năm học 2022 – 2023, người học mới nộp học phí theo mức mới. Từ năm học 2023 – 2024, trở đi, mức thu học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5% mỗi năm.
Cùng với việc ban hành mức thu học phí năm học 2022 – 2023 theo quy định tại Nghị định số 81, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đồng thời ban hành nghị quyết để hỗ trợ 100% học phí bằng mức thu học phí công lập theo quy định cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS. Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022 – 2023 đến hết năm học 2023 – 2024. Đối với học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022 – 2023 đến hết năm học 2024 – 2025.
Học sinh mầm non và phổ thông Đà Nẵng tiếp tục được hỗ trợ 100% học phí. |
San sẻ gánh nặng học đường
Vợ chồng chị Võ Thị Thảo (tạm trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) làm công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Từ tháng 5/2021, khi các trường học ở Đà Nẵng tạm thời đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch, chị Thảo gửi đứa con nhỏ đang tuổi mẫu giáo về quê ở Quảng Trị cho ông bà chăm. Đứa lớn học lớp 7 được chị Thảo cho ở lại cùng với ba mẹ để học online.
Chị Thảo rất vui khi năm học tới, cả 2 con chị sẽ được miễn học phí. “Đầu năm lo tiền đồng phục, rồi mua sắm sách vở, các khoản đóng góp nữa gộp lại cũng khá nhiều. Nghe tin được miễn học phí, tôi mừng quá, bớt được chừng nào quý chừng đó” - chị Thảo bày tỏ.
Để lo cho 3 đứa con đang độ tuổi đi học từ tiểu học, THCS và THPT, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền (trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận làm đủ thứ việc. Trước đây, chị Hiền nhận vệ sinh nhà cửa cho 3 khách quen, thu nhập tương đối ổn định. Thế nhưng sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, việc cũ không còn, chị Hiền xoay sang rửa chén bát cho hai quán ăn gần nhà. Chồng chị ban ngày phụ hồ, buổi tối tranh thủ chạy xe ôm nhưng cũng ế ẩm vì không thể cạnh tranh nổi với xe ôm công nghệ.
“Năm nay, đứa lớn học lớp 12, đứa kế học lớp 9, toàn cuối cấp học nên bao nhiêu thứ phải lo, tiền trường, tiền học thêm… bớt được khoản nào thì đỡ áp lực chi tiêu khoản đó” – chị Hiền kể.
Thầy Trương Công Sơn - Hiệu Trường THCS Huỳnh Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết: Nhà trường ủng hộ chủ trương miễn học phí cho học sinh năm học 2022 – 2023 của thành phố. Theo mức thu học phí trước đây, nếu thu đủ thì được khoảng gần 250 triệu/năm.
Tuy nhiên, ngoài những đối tượng thuộc diện gia đình chính sách như hộ nghèo… được miễn giảm, nhà trường còn chủ động mở rộng thêm cho HS ở các trung tâm bảo trợ xã hội, HS có gia đình thuộc hộ cận nghèo, HS mồ côi cha hoặc mẹ… nên tính ra nguồn thu từ học phí chỉ còn chưa đến 200 triệu/năm”. Với mức thu mới, tăng từ 3-5 lần, nhiều phụ huynh sẽ gặp khó khăn sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid–19.
Theo ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&DT quận Liên Chiểu, quận có 2.480/9.587 trẻ là con em công nhân được hỗ trợ theo chính sách giáo dục mầm non của Chính phủ. Khoảng 45% học sinh tiểu học và THCS là con của công nhân và lao động phổ thông. Vì vậy, việc thành phố tiếp tục áp dụng chính sách miễn học phí sẽ bớt gánh nặng cho người lao động và công nhân, giúp phụ huynh tháo gỡ phần nào khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Qua nắm bắt thông tin từ cán bộ quản lý các trường, phụ huynh rất vui mừng khi nhận được tin này.
“Nhà trường có khoảng 70% học sinh được miễn, giảm học phí. Nếu áp dụng mức thu học phí mới thì nhiều phụ huynh sẽ gặp khó khăn khi mức tiền đóng hàng tháng cho con tăng khoảng 3 lần. Trong năm học 2022 – 2023, với việc giữ nguyên mức thu học phí như cũ, nhà trường sẽ tập trung hơn cho công tác dạy – học, bớt thời gian vận động những học sinh có nguy cơ bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn”. - Thầy Ngô Phi Công (Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà My, Quảng Nam) |
Tác giả: Hà Nguyên
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn