Không xuất được ký nào
Lý giải về hiện tượng trên, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo. Từ việc Chính phủ đứng ra nhập khẩu chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp (DN) tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo.
Bên cạnh đó, một số thị trường từng bước tự cân đối được lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.
Chính vì thế hạt gạo Việt bí đầu ra. “Từ đầu năm đến nay không có một hợp đồng mới nào được ký kết với đối tác Philippines. Chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này theo hợp đồng cũ đã ký cuối năm ngoái. Các thị trường khác như Indonesia, Malaysia cũng không nhập một hạt nào. Nguyên nhân chính là do gạo Việt khó cạnh tranh với gạo Thái Lan, Campuchia…” - ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, nêu thực tế.
TQ vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo Việt sang TQ hết sức khó khăn do thị trường này không còn dễ tính, mua gạo cấp thấp và gạo trộn như mọi năm. Ngay cả thị trường châu Phi từng chiếm gần 15% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng từ đầu năm đến nay không còn mặn mà với gạo Việt.
Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát Lâm Anh Tuấn cho biết trước đây Việt Nam chủ yếu bán sang châu Phi gạo cấp thấp, giá rẻ cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan. Song từ năm 2016 gạo Thái Lan đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường này.
“Đã vậy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang cao hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ khoảng 10 USD/tấn tùy loại khiến DN càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, nhiều DN không dám ký hợp đồng xuất khẩu vì nếu chào bán giá cao sẽ không có ai mua, còn chào bán thấp hơn thì không có lợi nhuận” - ông Tuấn tiết lộ.
Thời của gạo thơm
Trong khi một số DN gặp khó vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tập trung và chỉ chăm chăm vào gạo cấp thấp thì một số công ty vẫn xuất khẩu thuận lợi nhờ chuẩn bị tốt nguồn cung gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ và gạo thơm.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, thông tin từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu được khoảng 35.000 tấn, chủ yếu là các loại gạo thơm và nếp. Giá xuất khẩu gạo thơm ổn định ở mức cao 460-520 USD/tấn tùy loại gạo. Việt Nam đang có lợi thế lớn trên thị trường gạo thơm do giá cạnh tranh hơn so với gạo thơm Hom Mali của Thái Lan và Basmati của Ấn Độ.
Ông Đôn cho rằng: “Nguồn cung gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn nhiều gạo cấp thấp, trong khi gạo thơm, gạo đặc sản lại ít, thậm chí khan hiếm. Vì vậy đến lúc ngành gạo cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu, khuyến khích nông dân trồng lúa thơm, lúa đặc sản, chất lượng cao thì mới mong sống nổi”.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, khuyến cáo các DN muốn giữ được khách hàng lâu dài thì cần lưu ý chỉ xuất khẩu gạo thơm đối với loại giống thuần chủng. Nghĩa là sản phẩm gạo phải đồng nhất, tránh mua gạo trộn.
“Cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ giống, vay vốn ưu đãi… cho nông dân để phát triển trồng lúa chất lượng cao. Ví dụ giống lúa chất lượng cao phải đạt trên 50%; giống lúa thơm chiếm 25%; giống nếp, đặc sản địa phương khoảng 15%, còn lại là gạo trung bình” - GS Xuân gợi ý.
Yêu cầu “giải cứu” xuất khẩu gạo Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa. Đồng thời giao Bộ NN&PTNT có biện pháp thay thế những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo, không phù hợp với quy định của từng thị trường nhập khẩu. ________________________ Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy khối lượng xuất khẩu gạo bốn tháng đầu năm 2017 chỉ đạt hơn 1,8 triệu tấn và 834 triệu USD. Con số này giảm 8% về khối lượng và giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. |
Tác giả bài viết: QUANG HUY
Nguồn tin: