Con phố nhỏ ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, mấy ngày nay râm ran câu chuyện hai bé gái bị trao nhầm lúc chào đời ở Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Hay tin gia đình chị Lê mới tìm thấy con gái ruột sau bốn năm xa cách, nhiều người thân, láng giềng đến rất đông để hỏi han, động viên.
Hai đứa trẻ không phải máu mủ nhưng rất quấn quýt với nhau. “Không thể giấu được niềm vui. Các con khỏe mạnh và phát triển tốt, đó là điều đáng mừng. Chúng tôi đang đề nghị làm thủ tục nhận lại cháu”, ông nội một bé gái chia sẻ.
Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa là bệnh viện tuyến tỉnh, hiện có quy mô 500 giường bệnh. Ảnh: Lê Hoàng.
Một ngày đầu đông 4 năm trước, chị Trâm Anh (quê xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có biểu hiện chuyển dạ nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản tỉnh sinh nở. Trong hơn 60 ca sinh hôm đó, có một phụ nữ ở TP Thanh Hóa. Họ cùng sinh con gái và theo phương pháp mổ bắt con. Sau ca vượt cạn, hai bà mẹ nằm chung buồng bệnh ở phòng hồi sức sau mổ.
Ít giờ sau, hai bà mẹ trẻ được nữ hộ sinh trao trả con và không nghi ngờ gì về giọt máu của mình. Gia đình chị Trâm Anh sau đó chuyển vào Đà Nẵng sinh sống cùng con gái. Bé còn lại lớn lên ở TP Thanh Hóa.
Gần đây, chị Trâm Anh thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ hay bất kể người thân nào bởi da bé ngăm đen trong khi cha mẹ có nước da trắng trẻo. Chị lấy mẫu đi kiểm tra ADN và hoảng hốt khi nhận được kết quả con gái nuôi bốn năm nay không phải con mình.
Ngày 7/6/2016, chị Trâm Anh quay lại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa gửi đơn đề nghị bệnh viện phối hợp tìm kiếm đứa con thất lạc, nghi vấn bị trao nhầm.
Bác sĩ Trần Thị Lan, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho hay, sau khi xem xét đơn thư của người nhà, bệnh viện khẩn trương tìm kiếm hồ sơ bệnh án còn lưu trữ. “Lượng hồ sơ sau 4 năm rất nhiều, nhưng chỉ sau 3 ngày, chúng tôi đã tìm thấy nhóm bệnh án nằm trong diện nghi vấn”, bà Lan kể.
Qua xác minh, có hai bé gái sinh vào khoảng 17h ngày 6/10/2012 và cách nhau chừng 5-7 phút được cho là có khả năng dễ nhầm lẫn nhất. Phía bệnh viện sau đó liên lạc với gia đình chị Lê (ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đề nghị phối hợp và được chấp thuận.
Phương pháp xét nghiệm ADN được tiến hành rất khẩn trương. “Những ngày chờ đợi kết quả, không khí cả bệnh viện đều căng thẳng”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Ngày 19/6, trước sự chứng kiến của hai gia đình và y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, kết quả phân tích gen được mở niêm phong. Và những đứa trẻ chính thức nhận lại cha mẹ ruột sau gần 4 năm xa cách.
“Đây là việc hy hữu, rõ ràng có sai sót nghiệp vụ nhưng không ai mong muốn. Bệnh viện nhận hoàn toàn trách nhiệm”, bác sĩ Lan nói và cho hay đã gửi lời xin lỗi hai gia đình và đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Mỗi ngày, bệnh viện đều cử y bác sĩ đến thăm hỏi, giúp đỡ ổn định tâm lý các bé và người thân.
Đại diện Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho hay, đang yêu cầu những người có liên quan kiểm điểm, tường trình để xác định rõ sai sót xảy ra ở khâu nào. Liên quan đến kíp trực hôm 6/10/2012, hiện một bác sĩ đã nghỉ hưu, hai nữ hộ sinh vẫn làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.
“Trước mắt, bệnh viện tập trung chia sẻ, động viên gia đình, sau đó sẽ làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Đây là vụ việc nghiêm trọng nên chắc chắn không thể làm qua loa”, đại diện Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa nói.
Người thân cho hay, chỉ sau ít giờ gặp mặt cha mẹ đẻ, hai bé gái làm quen rất nhanh, không e thẹn khi gọi tên cha mẹ. Mong muốn của hai gia đình là để cho các bé có chung hai gia đình, hai ông bố và hai bà mẹ.
Theo Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, quy trình sinh nở và trả con cho sản phụ được thực hiện như sau: Sau khi sản phụ sinh, nữ hộ sinh sẽ đón đứa trẻ đưa đi làm rốn, đeo số, đánh dấu. Ký hiệu đánh số sẽ được khắc bằng vòng tròn chất liệu nhôm và luồn qua sợi dây nhựa. Các mẹ cũng được đánh số trùng với số đeo của con mình. Đứa trẻ sơ sinh sau khi được lau rửa vệ sinh sẽ được mặc quần áo, ủ ấm, tiêm Vitamin K, viêm gan B và sau khoảng 6 tiếng (tùy trường hợp) sẽ được trả về bên mẹ hoặc người thân. |
Tác giả bài viết: Lê Hoàng