Theo thông tin từ các Hội đồng thi tỉnh, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 35.000 thí sinh với 102.925 bài thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại 11.900/102.925 bài thi trắc nghiệm. Để kiểm tra các trường hợp này, đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa là trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô hai đáp án, tẩy chưa hết… Cụm thi này cũng ghi nhận một bài thi trắc nghiệm bất thường và đã lập biên bản.
Tại tỉnh Đắk Lắk có 20.588 thí sinh dự thi với 60.401 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi trắc nghiệm qua phần mềm chấm thi đã phát hiện sửa lỗi đến hơn 1.450 bài thi.
Tại tỉnh Khánh Hòa có 37.000 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi trắc nghiệm của trường ĐH Nha Trang cũng đã phải xử lý khoảng 2.000 bài thi có lỗi do phần mềm chấm thi phát hiện.
Nhiều cụm thi khác cũng ghi nhận một số lượng đáng kể các trường hợp bài thi trắc nghiệm bị lỗi như, cụm thi Bình Thuận có hơn 32.000 bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi trắc nghiệm đã phải xử lý khoảng 100 bài thi bị lỗi; tại tỉnh Đồng Nai, có hơn 400/78.100 bài thi có lỗi và đã được chỉnh sửa theo đúng quy chế.
Ảnh minh họa |
Về những lỗi được phần mềm chấm thi nhận dạng và thông báo các bài thi bị lỗi, là do trong quá trình chấm thi, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như: tô mờ, tẩy chưa hết, tô nhiều đáp án, tô sai mã đề, sai số báo danh, trùng số ở cột tô số báo danh hay thí sinh dùng bút chì tốt nhưng gôm tẩy thì không tốt nên khi điều chỉnh đáp án, xóa đáp án cũ vẫn còn dấu vết mờ, trong khi máy quét lại nhạy nên vẫn nhận diện, gây ra cảnh báo lỗi.
Ngoài ra còn có tình trạng phần mềm nhận dạng ảnh phiếu chưa chính xác, các phiếu lệch không báo đúng số câu lỗi, trong quá trình làm phần mềm không báo mà chỉ phát hiện bằng khung bao đỏ ở dấu nhận dạng mép dưới của phiếu trả lời trắc nghiệm, hoặc một số điểm thi sử dụng giấy làm phiếu trả lời trắc nghiệm không chuẩn nên khi chấm có thể nhảy dòng dẫn đến sai lệch điểm…
Quy trình sửa các lỗi này được quy định như sau
Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm năm 2019 Bộ GDĐT hướng dẫn, việc chấm thi vẫn thực hiện các bước gồm quét ảnh, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm thi. Phần sửa lỗi vẫn là một công đoạn trong khâu chấm thi, tuy nhiên khác với năm 2018, phần sửa lỗi trong năm 2019 được thực hiện chỉ sau khi xuất dữ liệu ra đĩa CD1. Kết quả chỉnh sửa cùng với biên bản (tự động), bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó được mã hóa tạo thành đĩa CD2 gửi về Bộ GDĐT và chỉ có Bộ GDĐT mới có thể giải mã được đĩa CD2.
Quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm gồm 3 bước, ở tất cả các bước này toàn bộ dữ liệu đều được mã hóa và phải được sao lưu ra 3 đĩa CD giống nhau.
Quét phiếu trả lời trắc nghiệm: ngay sau khi quét xong tất cả các phiếu TLTN của Hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 03 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau;
Nhận dạng ảnh quét: ngay sau khi nhận dạng xong ảnh quét bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu nhận dạng ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 03 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau;
Sửa lỗi kỹ thuật: ngay sau khi sửa lỗi kỹ thuật tất cả các bài thi trắc nghiệm bị lỗi của Hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu sửa lỗi kỹ thuật đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 03 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau;
Trong mỗi bước nói trên, toàn bộ 03 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau tại từng bước phải được đóng gói niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản; gửi về Bộ GDĐT 01 bộ đĩa để quản lý và giám sát, bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa do Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ. Phải báo cáo, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia khi sử dụng các bộ đĩa này.
Chấm điểm bài thi: Sau khi thực hiện xong các bước trên, Tổ chấm thi trắc nghiệm mới được mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ GDĐT, lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và Tổ giám sát;
Tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Thống nhất sử dụng mã bài thi, môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GDĐT.
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi, các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ GDĐT) được lưu vào 03 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản; 01 đĩa gửi về Bộ GDĐT để quản lý và giám sát, bàn giao 01 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi để cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý thi và lưu trữ, 01 đĩa do Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.
Tác giả: Phương Anh
Nguồn tin: Báo Tổ Quốc