Giáo dục

Hàng loạt chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2020

Đó là các chính sách học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp; giảm hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên; Đổi mới kỷ luật, đánh giá học sinh; Tăng mức tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm...

Từ ngày 1/11, học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp khi được giáo viên chấp thuận

Học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp

Quy định này cũng chính thức được áp dụng từ ngày 1/11/2020, theo Điều lệ trường THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 37 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành theo Thông tư 32/2020, có hiệu lực từ ngày 1-11), học sinh không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”.

Nếu so sánh với các quy định cũ cùng về điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì có thể thấy Bộ GD&ĐT đã có sự nới lỏng trong việc cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Tức không còn cấm hoàn toàn như lúc trước mà sẽ là cấm dùng vào việc riêng, ngoài chuyện học hành, không được GV đồng ý.

Theo quy định của Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT, HS được dùng điện thoại trong lớp học cho mục đích học tập và khi được GV chấp thuận.

Nới lỏng này nhằm để phù hợp với chủ trương “khuyến khích GV, HS sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học” như lời giải thích của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), với báo chí.

Giảm hồ sơ, sổ sách đối với giáo viên

Cũng theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục tại Khoản 3, Điều 21 của Thông tư số 32 quy định giáo viên chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách, cụ thể: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Riêng giáo viên chủ nhiệm có thêm sổ chủ nhiệm.

Hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy quy định tại Khoản 4, Điều 21 của Thông tư số 32 theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và đảm bảo tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Bỏ cảnh cáo ghi học bạ đối với học sinh

Tại Khoản 2, Điều 38 của Thông số 32 hình thức xử lý đối với học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện đã có sự điều chỉnh so với Thông tư số 12, cụ thể:

Học sinh sẽ không còn bị cảnh cáo ghi học bạ và đặc biệt không còn bị buộc thôi học có thời hạn, thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT.

Trẻ mẫu giáo có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tiền ăn trưa

Quy định này được đề cập trong Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, có hiệu lực từ 1/11.

Theo đó, trẻ em độ tuổi mẫu giáo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 160.000 đồng/trẻ/tháng, nhưng không quá 9 tháng/năm học.Đối tượng trẻ mầm non được hỗ trợ phải bảo đảm một trong những điều kiện sau:Có cha/mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; Không có nguồn nuôi dưỡng; Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; trẻ em là con của thương binh, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Tăng mức tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia lên 4 triệu đồng/học sinh

Nghị định 110/2020/NĐ-CP quy định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020 và thay thế Quyết định 158/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002.Theo đó, học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học do Bộ GD&ĐT tổ chức được nhận mức tiền thưởng như sau: Giải Nhất: 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với quy định hiện hành); Giải Nhì: 2 triệu đồng (tăng 1,3 triệu đồng so với quy định hiện hành); Giải Ba: 1 triệu đồng (tăng 600 nghìn đồng so với quy định hiện hành).
Kinh phí khen thưởng được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước; khuyến khích sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khen thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia.

Nhiều giáo viên mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng

Chính sách hỗ trợ này được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, sẽ được áp dụng từ ngày 1.11.2020.

Theo đó, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non

- Có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục;

- Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học. Đặc biệt, mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí hỗ trợ và chuyển khoản hoặc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho giáo viên.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm.

Theo Nghị định, học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.

Về hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.

Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương hằng năm theo các quy định hiện hành.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm.

Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều này sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên.

Học sinh, sinh viên sư phạm đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Học sinh, sinh viên sư phạm bị đình chỉ học tập sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ.

Nghị định mới có hiệu lực từ 15-11-2020.

Tác giả: Hồng Hạnh (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP