Về đánh giá chung, Chính phủ nêu rõ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng |
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 như tiết kiệm chi thường xuyên; tiết kiệm chi quản lý hành chính; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng... là 53.887 tỉ đồng.
Một số bộ ngành, địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách, như: Bộ Quốc phòng 2.556 tỉ đồng, Bộ Công an 1.896 tỉ đồng, Bộ Tài chính 328 tỉ đồng, Hà Nội 5.868 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 1.855 tỉ đồng, Bình Dương 338 tỉ đồng...
Trong đầu tư xây dựng, đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, theo báo cáo của Chính phủ, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện.
"Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng |
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã nêu rõ 11 nhóm tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh còn lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công. Ủy ban Tài chính - Ngân sách chi rõ một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ về cho địa phương quản lý như: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của các cơ quan trung ương được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới.
Lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư cũng là một trong những tồn tại, hạn chế được Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra. Cụ thể, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tác giả: Minh Chiến - Huy Thanh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động