Là một trong những địa phương đang bị cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãnh đạo huyện Lục Nam đang tích cực tìm đầu ra cho tổng 75.000 tấn nông sản trên địa bàn huyện.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam - cho biết, huyện đang đề xuất với tỉnh đăng ký xe vận tải theo danh sách, biển số để tạo điều kiện lưu thông. Nếu không lưu thông được, địa phương sẽ chủ động vận chuyển nông sản tới các địa điểm giáp ranh để xe hàng các tỉnh bạn tới thu mua.
Cũng theo ông Nhàn, với các loại nông sản có sản lượng lớn hoặc chuyên xuất đi nước ngoài, huyện đang xây dựng kịch bản tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Nếu dịch diễn biến khó lường hơn thì sẽ ưu tiên phương án tiêu thụ hết trong nước, thông qua kênh doanh nghiệp và các trung tâm thương mại. Phương án cuối cùng nông sản sẽ được sấy khô hoặc làm nước hoa quả.
Bắc Giang là nơi có sản lượng vải lớn nhất cả nước. |
Hiện nay tại huyện Lục Nam, người dân vẫn có thể ra đồng thu hoạch nông sản. Song theo lãnh đạo huyện Lục Nam, vướng mắc lớn nhất là các trạm chốt chưa được thông thoáng. Nếu các tỉnh không hỗ trợ tiêu thụ thì sau dứa sẽ đến dưa và vải tồn đọng với số lượng lớn.
"Hơn nữa, các loại nông sản như dứa, dưa không thể chế biến và bảo quản quá lâu. Nếu không kịp thời có phương án sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân" - ông Nhàn cho hay.
Với tổng diện tích dứa của hợp tác xã lên tới 300ha, ông Vi Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dứa Lục Nam - bày tỏ rất lo lắng với đầu ra vì năm nay. Nếu không có dịch, dứa có thể bán được 9.000 đồng/kg. Song hiện tại, giá dứa chỉ khoảng 6.000 đồng/kg. Giá rẻ nhưng khách mua là các thương lái cũng không thể tới, vì các xe lưu thông đã phải tạm dừng để phòng chống dịch.
Năm ngoái, dứa chỉ có giá 7.000 đồng/kg, nhưng các thương lái đến tận ruộng để thu mua hết. Năm nay, các hộ dân trong HTX dứa Lục Nam mới chỉ tiêu thụ được 500 tấn và vẫn còn tồn khoảng hơn 2.000 tấn.
"HTX cũng đã đi tìm các đối tác để ký kết bao tiêu sản phẩm hàng chục năm nay, nhưng chưa tìm được đối tác nào. Khó khăn càng lớn thêm bởi dứa từ lúc chín cho tới lúc cắt đi chỉ để được 1 tuần. HTX cũng chưa có kho lạnh để bảo quản nên người dân đang đếm từng ngày chờ được giải cứu" - ông Tuấn cho hay.
Xe vận chuyển tới điểm tập kết giải cứu nông sản. |
Theo báo cáo của huyện Lục Nam, diện tích cây ăn quả khoảng 9.847 ha, trong đó diện tích đang và chuẩn bị cho thu hoạch là 1.637 ha, bao gồm: Dưa hấu 330 ha, dưa các loại 134 ha, khoai sọ 510 ha, khoai lang 320 ha, rau các loại 320 ha, bí xanh 28 ha, bí đỏ 37 ha. Đáng chú ý, diện tích các loại cây ăn quả đang thu hoạch như vải thiều lên tới 5.900 ha, dứa 410 ha.
Lãnh đạo huyện Lục Nam cho biết, ngoài khó khăn trong lưu thông hàng hóa, các thương nhân, lái xe vào địa bàn huyện thu mua nông sản, khi quay về địa phương phải thực hiện cách ly y tế nên không mặn mà với việc thu mua. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân cũng bị ảnh hưởng.
Dứa đến vụ thu hoạch đang chờ tiêu thụ |
Để khắc phục khó khăn trước mắt, lãnh đạo huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp, thương lái thu mua, kết nối các bếp ăn quân đội, khu cách ly… tham gia hỗ trợ trong việc tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi lực lượng dân quân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, lực lượng tình nguyện tham gia hỗ trợ việc sản xuất, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển hàng hóa và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, tham mưu UBND huyện đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhân dân như hỗ trợ xây lò sấy vải thiều quy mô từ 10-30m2 mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/lò; quy mô trên 30m2 hỗ trợ 5 triệu đồng/lò.
Đặc biệt, lãnh đạo huyện Lục Nam rất mong nhận được sự chung tay giúp sức của các tỉnh bạn, của người dân cả nước, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại... để giúp bà con tiêu thụ nông sản, từ đó yên tâm chống dịch.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí