Ngoài bà Thu Hà và Hải Hà, cuộc họp có sự tham gia của ông Lê Xuân Hồng - Giám Đốc chi nhánh, bà Nguyễn Thị Hoa Hường - Hiệu Trưởng, bà Trương Thị Bình - Hiệu phó và 2 nhân viên bếp.
"Bà đứng dậy đối diện tôi lấy cốc nước dí vào mặt tôi và định đánh vào mặt tôi, bà nói "tui cho cái đọi (bát) vào mặt cô" nhưng ông Hồng kéo bà ngồi xuống. Nhưng lúc đó bà cầm cốc nước trên tay và hất vào tôi ướt cả người." – trong đơn tố cáo bà Hải Hà viết.
Cô giáo Hải Hà cho PV Hoà nhập biết, việc làm này đã xúc phạm đến nhân phẩm và gây tổn hại về tinh thần của mình. Theo giáo viên này, sau khi sự việc xảy ra, vì cảm thấy lo lắng và suy nghĩ nhiều nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Nữ giáo viên Hải Hà còn cho rằng thường cảm thấy áp lực vì bị bà giám đốc gây khó dễ.
Cô giáo này cho biết đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan như Liên đoàn lao động TP Hà Tĩnh, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội,.. đề nghị vào cuộc để bảo vệ người lao động.
Trả lời PV, ông Lê Xuân Hồng khẳng định sự việc cô giáo Hải Hà tố cáo là có thật. Bà Nguyễn Thị Hoa Hường (Hiệu trưởng) cho biết, vào thời điểm đó, bà đang quay mặt đi chỗ khác. Bà hiệu trưởng giật mình nghe tiếng cốc nước đặt mạnh xuống mặt bàn và bà nhìn thấy áo của cô giáo Hải Hà đã bị ướt. Có việc hắt nước hay không thì bà Hường không khẳng định.
Bà Hường và ông Hồng cho biết, nguyên nhân bắt nguồn từ việc kiểm điểm của cô giáo Hải Hà. Trong giờ nghỉ trưa ở trường, trong khi ăn, cô giáo Hải Hà có một vài lời nói thiếu chuẩn mực. Nhân viên tên Thúy (cháu bà Thu Hà giám đốc) nghe được và nói lại với bà Thu Hà. Bà Thu Hà đã yêu cầu kỷ luật cô Hải Hà.
Trường đã họp và đề xuất công ty trừ lương của cô Hải Hà. Tuy nhiên, bà giám đốc không đồng ý mà trực tiếp xuống trường yêu cầu các cán bộ lãnh đạo phải họp.
Bà Hường cũng như ông Hồng đều xác nhận việc bà giám đốc to tiếng và thiếu kiềm chế trong cuộc họp. Hai vị lãnh đạo trường đều nói rằng ông không đồng ý với cách cư xử của bà Trần Thị Thu Hà vào lúc đó.
Bà hiệu trưởng xác nhận cô giáo Trần Hải Hà đã gắn bó với trường 8 năm từ ngày mới thành lập và đạt nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng nhiều giấy khen.
Làm việc với PV, bà Trần Thị Thu Hà (GĐ Công ty Sách-TBTH Hà Tĩnh) phủ nhận toàn bộ cáo buộc nói trên. Bà giám đốc chỉ thừa nhận lúc đó hơi nóng và to tiếng nhưng hoàn toàn không có chuyện hắt nước. Chỉ vì trong lúc nóng nảy đặt mạnh cốc nước xuống bàn.
Khi PV hỏi có việc đe dọa "cho cái đọi (bát) vào mặt" hay không, bà Hà im lặng.
Tuy nhiên theo bà giám đốc, bà chưa hề gây khó dễ cho bất kỳ ai trong công ty cũng như ở trường. Kể cả đối với cô Hải Hà, bà Giám đốc cũng chưa yêu cầu kỷ luật nặng hay nhẹ gì hết.
Công ty Sách-TBTH Hà Tĩnh trước đây là doanh nghiệp nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, công ty này tiếp tục kinh doanh sách, thiết bị trường học và mở trường mầm non. Trường Hoa Sen được nhiều người đánh giá là trường mầm non khá lớn có uy tín, chất lượng tại TP. Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Xuân Long (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Tĩnh) xác nhận đã nhận được đơn và chỉ đạo công đoàn cơ sở vào cuộc làm rõ. Sau khi có kết quả xác minh, Liên đoàn lao động sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình để bảo vệ người lao động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Hà Tĩnh) cho biết, dù Phòng không nhận được đơn, nhưng với chức năng quản lý của mình, đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xác minh sự việc. Phòng sẽ làm việc trực tiếp với nhà trường và có báo cáo gửi UBND TP. Hà Tĩnh, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh.
Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh cũng cho biết đã tiếp nhận đơn của giáo viên trường mầm non Hoa Sen và đang thực hiện chức trách của mình.
Luật sư Bùi Thanh (Văn phòng luật sư Trịnh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, xét về mặt quan hệ, bà Thu Hà và Hải Hà là cấp trên cấp dưới, ràng buộc giữa các bên là hợp đồng lao động. Giám đốc có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo BLLĐ 2012 và Nghị định 05/2012/NĐ-CP.
Nếu bà giám đốc ép buộc hay mắng chửi, sỉ nhục, hắt nước vào người nhân viên, tuy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đối với người: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được phép trừ lương của người lao động, trừ khi việc đó là để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị.
Giám đốc còn có thể phải bồi thường thiệt hại trong dân sự cho nhân viên nếu “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Nguồn tin: Theo hoanhap.vn